Trưng cầu ý dân là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng

Tường Mạnh| 25/08/2015 10:42

Điều 29, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

ADQuảng cáo

Trưng cầu ý dân hay bỏ phiếu toàn dân là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp, trong đó toàn bộ các cử tri được yêu cầu chấp nhận hay phủ quyết một đề xuất đặc biệt. Trưng cầu ý dân hay bỏ phiếu toàn dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, là việc làm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Việc trao quyền tự quyết đối với một số vấn đề cho người dân là hoàn toàn tương thích với nền dân chủ mang tính hệ thống.

Có thể nói, vấn đề trưng cầu ý dân đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị.

Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được chuyển hóa bằng những việc làm cụ thể trong công tác xây dựng pháp luật cũng như trong các lĩnh vực hoạt động khác. Vì vậy, quyền tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận ngay từ Hiến pháp năm 1946 và đến Hiến pháp 2013, vấn đề này tiếp tục được quy định rõ hơn.

ADQuảng cáo

Cụ thể, Hiến pháp năm 1946 có quy định như sau: Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định. Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Chính vì tầm quan trọng và ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân mà trong Hiến pháp 2013 đã đặt vấn đề trưng cầu ý dân ở vị trí quan trọng hơn so với trước đây. Cụ thể, Hiến pháp 2013 đã tách quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân thành một điều luật riêng và chỉ quy định duy nhất quyền này trong một điều luật.

Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định (Điều 70). Để hiện thực hóa quy định nói trên, sau khi có Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật và giao cho các cơ quan chuẩn bị xây dựng dự án luật Trưng cầu ý dân và đang trong giai đoạn bàn thảo để chuẩn bị thông qua.

Trưng cầu ý dân là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc trưng cầu ý dân sẽ tạo điều kiện để nhân dân tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước. Điều này cũng sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưng cầu ý dân là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO