Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013: Nhà nước luôn bảo đảm một môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Tường Mạnh| 23/07/2014 09:33

Điều 51, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

ADQuảng cáo

Trước đây, cũng như các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN), ở nước ta cũng áp dụng nền kinh tế theo chế độ công hữu, phi hàng hóa và được quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung nên Nhà nước quản lý tuyệt đối toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, nắm và chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế của đất nước.

Đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Ảnh:
Hồng Thoan

Với cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước đã thực hiện những mục tiêu kinh tế và chính trị - xã hội quan trọng, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN trên nhiều mặt.

Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế công hữu, phi hàng hóa và cơ chế tập trung cao độ cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, về cơ bản triệt tiêu động lực phát triển, nền kinh tế trì trệ, rơi vào tình trạng khan hiếm, dẫn đến khủng hoảng kinh tế-xã hội.

Nhà nước thì bao biện, làm thay thị trường và xã hội, dẫn đến bộ máy cồng kềnh, quan liêu, quản lý kém hiệu lực và hiệu quả.

Ngày nay, nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, là một quá trình khách quan, hợp quy luật và là một nội dung cơ bản của công cuộc đổi mới, cải cách ở nước ta hiện nay. Vì vậy, Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Trong điều kiện đó, Nhà nước phải nắm vững những lĩnh vực, những khâu, thực hiện những công việc quan trọng nhất mà thị trường và xã hội không làm được, không được làm và làm không tốt, nhằm phát huy động lực phát triển kinh tế, xử lý những bất trắc và tình huống mới nảy sinh, bảo đảm cho cơ chế thị trường ra đời đồng bộ và vận hành thông suốt, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Tuy nhiên, đây thực sự là một quá trình khó khăn, phức tạp, vì phải đổi mới cả cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy quản lý và con người, đổi mới tư duy, phong cách và lối sống cũ đã ăn sâu vào từng con người.

ADQuảng cáo

Vì vậy, trong bước chuyển đổi sang cơ chế thị trường, vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng và nặng nề, vừa phải tiến hành đổi mới, cách thức điều hành, vừa phải liên tục hoàn thiện phương pháp, công cụ và kỹ thuật điều hành trong điều kiện vừa chuyển đổi, vừa hội nhập, vừa phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với vai trò là người đại diện cho nhân dân để quản lý nền kinh tế vì lợi ích của đất nước và nhân dân, là người phải chịu trách nhiệm về tài sản công hữu, bằng sức mạnh và tổ chức của mình, Nhà nước luôn bảo đảm một môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm các môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế, tâm lý, xã hội, kết cấu hạ tầng.

Đây là những điều kiện cần thiết để giới doanh nhân, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức yên tâm đầu tư vốn và kinh doanh thuận lợi, ổn định, phát đạt, góp phần phát triển có hiệu quả kinh tế đất nước. Nhà nước đóng vai trò như “bà đỡ”, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời đảm bảo các điều kiện tự do, bình đẳng trong kinh doanh.

Theo đó, với chức năng của mình, Nhà nước có trách nhiệm tạo môi trường chính trị ổn định, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, luôn nhất quán về đường lối đổi mới. Nhà nước tạo môi trường xã hội thông qua thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, vấn đề giáo dục, y tế…

Nhà nước còn tạo môi trường về kinh tế thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách kinh tế phải tương đối ổn định, có sự thông thoáng nhất định, đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô: về tiêu dùng, tích lũy, thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng… làm cơ sở vật chất để phát triển kinh tế.

Nhà nước ban hành và đảm bảo thi hành pháp luật, đảm bảo các điều kiện và nguyên tắc cơ bản của quyền sở hữu, tự do kinh doanh, xử trí tranh chấp theo pháp luật, bảo đảm một xã hội lành mạnh, có văn hóa,…

Có thể nói, trong công cuộc đổi mới đất nước, Nhà nước đã phát huy vai trò, từng bước thực hiện các chức năng của mình trong quản lý kinh tế - xã hội đất nước và đã đạt những thắng lợi hết sức quan trọng. Nước ta đã tiến hành đổi mới quản lý kinh tế, nhưng vẫn giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế khá, thoát khỏi khủng hoảng.

Việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế và điều hành xử lý các tình huống hết sức phức tạp trong sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế ngày càng hiệu quả, đạt kết quả tốt. Đặc biệt, nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước về kinh tế, giữa quản lý nhà nước và quản lý của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, thực hiện tốt.

Nhà nước tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phục vụ nhân dân, ngược lại nhân dân cũng chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tự bảo vệ quyền làm chủ của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013: Nhà nước luôn bảo đảm một môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO