Quyền bào chữa là quyền lợi đặc thù, cơ bản của công dân

Tường Mạnh| 15/09/2015 09:20

Khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Theo đó, quyền bào chữa là một quyền lợi đặc thù, cơ bản của công dân, của những bị can, bị cáo, được coi là một nguyên tắc hiến định, ghi nhận tại Hiến pháp 2013. Điều này chứng tỏ bản chất tốt đẹp và dân chủ của pháp luật Việt Nam, bởi lẽ tất cả những người bị bắt, bị tạm giữ, bị điều tra, truy tố và xét xử đều có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Ngay từ khi một người bị bắt, đã phát sinh quyền tự bào chữa, hoặc nhờ luật sư bào chữa đối với họ, được đảm bảo bởi đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp.

Có thể nói, quyền bào chữa, được bào chữa cho phép người bị buộc tội có chỗ dựa về pháp lý, tinh thần, kiến thức, niềm tin để công khai đứng ra bảo vệ mình, chống lại sự cáo buộc có tội của bên buộc tội. Người bị buộc tội có quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa kể từ khi bị tạm giữ, bị khởi tố về hình sự, tức là từ khi có quyết định khởi tố bị can, trở thành bị can trong vụ án hình sự đến khi bị đưa ra xét xử, trở thành bị cáo.

Đối với những vụ án mà hành vi phạm tội của bị can, bị cáo bị buộc vào tội phạm có mức hình phạt cao nhất là tử hình hoặc là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì bắt buộc phải có người bào chữa cho họ, cả trong trường hợp họ không thuê người bào chữa.

Nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của Hiến pháp không chỉ là nhờ người bào chữa mà trước hết là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa cho mình. Tự bào chữa ở đây có thể là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo tự nhận tội hoặc đưa ra các căn cứ khẳng định họ không phạm tội, phạm tội nhưng mức độ nhẹ hơn hoặc phạm ở một tội khác.

Trong thực tế, hiện nay quyền bào chữa của công dân đang được pháp luật bảo đảm thông qua hai cách là: bị can, bị cáo, đương sự tự bỏ tiền ra mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích cho mình; hoặc Nhà nước thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng mời và thanh toán chi phí cho luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người bị truy tố có khung hình phạt cao nhất đến mức tử hình, bị can, bị cáo là người có nhược điểm về thể chất, tinh thần. Nhà nước còn thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí để thanh toán chi phí cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ trong một số nhóm đối tượng nhất định.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn, trên thực tế, vẫn còn có tình trạng là các cơ quan tố tụng, các chủ thể tiến hành tố tụng ở giai đoạn điều tra thường có tâm lý “ngại” sự xuất hiện của người bào chữa, nhất là luật sư.

Mặt khác, bản thân người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo cũng chưa nhận thức được đầy đủ quyền bào chữa mà pháp luật đã qui định cho họ. Trong khi đó, một số người bào chữa thuộc trường hợp chỉ định có tâm lý bào chữa qua loa cho xong, chưa thực sự đầu tư thời gian, công sức và chuyên môn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được bào chữa.

Vì những nguyên nhân trên dẫn đến việc đảm bảo quyền bào chữa cho người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo trong quá trình thực thi nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu mà Hiến pháp đặt ra.

Do đó, việc tăng cường trách nhiệm của hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng cũng như công tố trong hoạt động điều tra, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc ban hành, hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực thi quyền bào chữa của công dân trong suốt quá trình tố tụng của vụ án là điều hết sức cần thiết nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, tiến bộ và văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền bào chữa là quyền lợi đặc thù, cơ bản của công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO