Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh

Tường Mạnh| 30/09/2014 10:44

Khoản 3, Điều 51, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

ADQuảng cáo

Trong lịch sử lập pháp của nước ta, đây là lần đầu tiên các vấn đề về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân được hiến định. Không những vậy, Hiến pháp còn đưa ra các quy định rộng mở và thông thoáng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện các quyền kinh tế của mình. Chẳng hạn, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Vận hành dây chuyền sản xuất gạch tại Nhà máy gạch tuynel của Công ty Cổ phần đầu tư tài chính AST (Gia Nghĩa). Ảnh: Lê Dung

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, trong quá trình quản lý, điều hành nền kinh tế, Nhà nước ta đã cố gắng xây dựng hệ thống pháp luật, ban hành nhiều văn bản về quản lý kinh tế. Hệ thống pháp luật cũng dần được đổi mới để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và cơ chế mới, tạo môi trường hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức kinh tế. Nhà nước sử dụng hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến kinh tế theo một trật tự khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế.

Với vai trò quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô, Nhà nước định hướng, hướng dẫn, chỉ dẫn hành vi và tạo khung khổ cho việc tổ chức, hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp. Việc quyết định sản xuất cái gì, đầu tư như thế nào, vào lĩnh vực nào, ở đâu, doanh nghiệp, doanh nhân đều phải căn cứ vào thị trường và các quy định, luật lệ của Nhà nước Trung ương và địa phương.

Bằng hệ thống pháp luật, Nhà nước còn thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp trên thị trường cũng như kích thích quá trình cạnh tranh, bảo đảm được công bằng. Quyền tự do kinh doanh đối với tất cả doanh nhân, doanh nghiệp tất yếu sẽ kéo theo sự cạnh tranh, cùng với phát triển thì sẽ có phá sản, có tố tụng...

ADQuảng cáo

Vì vậy, pháp luật bảo đảm tất cả các quyền ấy để mọi người có khả năng, điều kiện, cơ hội và các quyền ngang nhau, không phân biệt đối xử. Mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân, các thành phần kinh tế được quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, quản lý và sử dụng có hiệu quả các tư liệu sản xuất, sức lao động và các nguồn lực khác. Người lao động được bảo đảm làm việc theo năng lực, hưởng theo kết quả lao động, ngăn chặn hành vi bóc lột và bất công xã hội.

Nhà nước bảo đảm những cơ hội lao động, kinh doanh cho người dân và bảo đảm quyền sở hữu những kết quả lao động, kinh doanh hợp pháp của họ; đồng thời, ngăn chặn và nghiêm trị những hành vi tham nhũng, sách nhiễu trục lợi trong quản lý nhà nước đối với kinh tế. Nhà nước cũng bảo hộ sự phát triển nội sinh của sản xuất trong nước và tạo hành lang pháp lý thông thoáng đối với việc thu hút sự chú ý đầu tư kinh doanh bên ngoài.

Có thể nói, nhờ có công cụ pháp luật mà trật tự kỷ cương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã dần đi vào quỹ đạo của sự ổn định, nhưng thực tế cũng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung. Vì vậy, với những quy định về quyền kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp năm 2013 là “cú hích” pháp lý quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.

Đây cũng là cơ sở hiến định để các luật mới ban hành hoặc sửa đổi cần phải chú ý hơn tới vị trí của doanh nhân, quy định rõ hơn vai trò, quyền lợi, trách nhiệm và tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Về phía doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với việc hiểu đúng và tuân thủ pháp luật trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh thì cũng cần phải luôn tự nỗ lực vươn lên, liên tục đổi mới và sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng.

Còn đối với các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng cũng phải luôn đồng hành, thân thiện hơn nữa với doanh nghiệp; coi trọng công tác cải cách hành chính, nhất là ở cấp cơ sở. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp và là những thứ mà doanh nghiệp, doanh nhân luôn rất cần trong quá trình sản xuất, kinh doanh, để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO