Nhà nước có quyền trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết

Tường Mạnh| 11/11/2014 09:10

Khoản 4, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

ADQuảng cáo

Theo các nhà chuyên môn, trưng dụng đất là một trong những chế định quan trọng về đất đai được quy định cụ thể trong pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm nhầm lẫn giữa khái niệm trưng dụng đất và thu hồi đất, đồng thời hiểu biết pháp luật về trưng dụng đất còn chưa phổ biến.

Theo đó, trong những trường hợp thật cần thiết do luật định, Nhà nước có thể ra quyết định hành chính để sử dụng quyền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Đất đai được Nhà nước thu hồi, trưng dụng lâu dài hoặc có thể có thời hạn nhất định.

Với trường hợp có thời hạn, khi thực hiện xong nhiệm vụ vì lợi ích quốc gia thì người có quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện quyền sử dụng của mình theo pháp luật. Điều này thực hiện công khai, minh bạch sẽ tạo đồng thuận cho người dân trong thực thi nghiêm túc pháp luật cũng như có những khoản bồi thường cần thiết để có thể ổn định cuộc sống trong thời gian đất đai được trưng dụng.

Không những vậy, tổ chức, người dân cũng thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc giao đất được trưng dụng cho Nhà nước để thực hiện các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia,  địa phương, cộng đồng, không cảm thấy quá bức xúc.

Thế nhưng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục trưng dụng như tài sản thông thường. Vì vậy, trên tinh thần của Hiến pháp, luật Đất đai năm 2013 cũng có những quy định về các trường hợp trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

ADQuảng cáo

Cụ thể như quy định về trình tự, thủ tục trưng dụng đất, thẩm quyền trưng dụng đất, thời hạn trưng dụng đất và việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra. Theo đó, quyết định trưng dụng phải được thể hiện bằng văn bản, trong trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng bằng lời nói, song chậm nhất là 48 giờ phải có xác nhận bằng văn bản gửi cho người có đất trưng dụng.

Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp hết thời hạn trưng dụng mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng cũng không quá 30 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản gửi cho người có đất bị trưng dụng.

Nếu là tình trạng chiến tranh, khẩn cấp thì gia hạn trưng dụng không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, khẩn cấp. Những người có thẩm quyền trưng dụng, gia hạn trưng dụng đất gồm: Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp-PTNT, Y tế, Công Thương, Giao thông-Vận tải, Tài nguyên-Môi trường và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Luật cũng quy định rõ, người có đất trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng dụng. Trường hợp quyết định trưng dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có đất trưng dụng không chấp hành thì người quyết định trưng dụng đất ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành; hoặc giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.

Bên cạnh đó, người có đất bị trưng dụng sẽ được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại hoặc bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng trực tiếp gây ra. Hình thức bồi thường là chi trả một lần, trực tiếp và thời hạn là không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn trả đất.

Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất. Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất trưng dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoàn trả đất khi hết thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước có quyền trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO