Người bị bắt, tạm giữ, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại

Tường Mạnh| 22/09/2015 09:47

Khoản 5, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

ADQuảng cáo

Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

 Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền của công dân, quyền con người của người bị bắt. Mục đích của các biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật và pháp chế.

Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn nói trên khi áp dụng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong thực tế, có lúc có nơi vẫn còn xảy ra tình trạng bắt người tùy tiện, bắt oan người không có tội, tạm giữ, tạm giam người không có lệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  

Vì vậy, để bảo đảm những quy định của Hiến pháp, pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách triệt để, tránh việc buộc tội oan, sai, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của con người, pháp luật cũng quy định việc bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự cho những người bị buộc tội, bị thi hành án oan, sai.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được áp dụng cho các đối tượng gồm người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và người chấp hành án trong trường hợp họ bị áp dụng các biện pháp hình sự trái pháp luật. Mức độ thiệt hại nhiều hay ít tùy thuộc vào hành vi trái pháp luật hoặc quyết định và việc thực hiện quyết định trái pháp luật.

ADQuảng cáo

Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng nhà nước bồi thường theo mức độ thiệt hại thực tế đã gây ra. Việc bồi thường có thể được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên hoặc thông qua phán quyết của tòa án.  

Bên cạnh đó, người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật. Với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, việc bắt, giam giữ cần phải được tiến hành kiên quyết, kịp thời.

Tuy nhiên, không thể vì bất cứ một lý do gì mà áp dụng các biện pháp ngăn chặn tràn lan, sai tính chất, sai đối tượng, không đảm bảo các yêu cầu của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Những hành vi bắt oan người vô tội, bắt không đúng thủ tục, bắt sai thẩm quyền, tạm giữ hoặc tạm giam quá hạn không chỉ xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể và sinh mạng chính trị của con người, của công dân mà còn làm suy giảm uy tín của Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vì vậy, việc xử lý những người vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng, thi hành án gây thiệt hại cho người khác là nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền con người, loại bỏ sự tùy tiện áp dụng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Có thể nói, tất cả những quy định của Hiến pháp và pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam đều nhằm góp phần phát huy dân chủ, tăng cường hơn nữa hiệu lực của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bị bắt, tạm giữ, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO