Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà pháp luật đã quy định, cho phép

Tường Mạnh| 12/10/2015 10:31

Điều 33, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

ADQuảng cáo

Với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi phải được điều chỉnh, bổ sung, nhằm bảo đảm các quyền về kinh tế, trong đó có quyền tự do kinh doanh của công dân.

Quyền tự do kinh doanh của công dân là một quyền hiến định, ngày càng được xác định rõ ràng, đầy đủ và thực sự trở thành cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để công dân được hưởng đầy đủ một trong những quyền hết sức cơ bản.

Hiến pháp 2013 thừa nhận quyền tự do kinh doanh là quyền con người và là một trong những quyền cơ bản của công dân hàm chứa hai ý quan trọng, đó là mọi người có quyền tự do kinh doanh và giới hạn của quyền tự do là những gì luật cấm. Vì vậy, quyền tự do kinh doanh của công dân còn được cụ thể hóa trong các luật, bảo đảm cho mọi công dân được hưởng thực quyền của mình trong lĩnh vực kinh tế.

Trong năm 2014-năm đầu tiên thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, nổi bật trong số những đạo luật được thông qua là luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và luật Đầu tư (sửa đổi)-2 đạo luật mang tính định khung, tạo điều kiện mở ra bước tiến mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của đất nước. Tinh thần toát lên của hai luật mới này là sự thừa nhận và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Cụ thể tinh thần của Hiến pháp, 2 bộ luật khi ban hành đã đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính theo hướng, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không cần được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mọi người được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà luật pháp đã quy định, cho phép.

Với quan điểm sửa đổi một cách toàn diện, các bộ luật có nhiều điểm mới, thay đổi cả về quan niệm đối với các doanh nghiệp và cách thức quản lý nhà nước. Doanh nghiệp hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế; xác định rõ địa vị pháp lý, vai trò và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải công khai hóa các thông tin về hoạt động quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tách biệt với việc xin giấy phép kinh doanh. Các thủ tục hành chính được áp dụng thống nhất, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài...

Theo các nhà chuyên môn, những thay đổi này sẽ tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp, có thể kể đến như giảm đáng kể chi phí cho thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm đáng kể rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý, nâng cao quyền tự chủ, tính linh hoạt và mức độ an toàn. Qua đó, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa năng lực, tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển...Cùng với đó, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn..

Đặc biệt, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường do số liệu thống kê về doanh nghiệp chính xác hơn, sát với thực tế hơn, đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn cho các bên có liên quan. Cơ quan quản lý nhà nước và xã hội nói chung có nhiều thuận lợi hơn trong việc tham gia giám sát cũng như phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà pháp luật đã quy định, cho phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO