Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền

Tường Mạnh| 03/09/2015 08:59

Điều 30, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khiếu nại và tố cáo đều là các quyền chính trị cơ bản của công dân, được ghi nhận trong văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao như Hiến pháp, luật. Khiếu nại và tố cáo là một trong những phương thức thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là phương thức để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Khiếu nại, tố cáo đều hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền.

Theo đó, công dân, cơ quan, tổ chức khi có căn cứ cho rằng quyền lợi bị xâm hại bởi một quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thì có quyền khiếu nại. Đồng thời, công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, của mình và của người khác. Nói một cách khác, cá nhân có quyền tố cáo mọi hành vi vi phạm mà mình biết được, cho dù hành vi vi phạm đó có  tác động trực tiếp hoặc không tác động đến người tố cáo.

Cơ quan hoặc người có trách nhiệm nhận và giải quyết khiếu nại lần đầu là cơ quan có người thực hiện hành vi hành chính hoặc người đã ra quyết định hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của luật Tố tụng hành chính.

Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng nào thì có trách nhiệm giải quyết tố cáo thuộc chức năng của cơ quan đó. Trong trường hợp đã tiếp nhận tố cáo nhưng xét thấy trách nhiệm giải quyết tố cáo không thuộc chức năng của cơ quan mình thì phải chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền và thông báo cho người tố cáo biết.

Hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà bị tố cáo thì họ không có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chính bản thân mình. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ có quyền giải quyết những đơn tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức mà mình quản lý trực tiếp.

Có thể nói, khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo là công dân đã thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc xây dựng, củng cố, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần ngăn chặn, tiến tới loại trừ những hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu quần chúng của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước. Đồng thời, đây cũng là nguồn thông tin quan trọng về tình trạng pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, góp phần củng cố mối liên hệ giữa nhà nước và công dân, khẳng định tính chất tham gia quản lý nhà nước của công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO