Mọi người có quyền hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng các giá trị văn hóa

Tường Mạnh| 05/01/2016 09:44

Điều 41, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

ADQuảng cáo

Có thể nói, đây là lần đầu tiên có sự quy định về các quyền của công dân trong lĩnh vực văn hóa, khẳng định Nhà nước ta đã có sự nhìn nhận rất mới về các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, quy định này không những quán triệt tinh thần nhất quán của Đảng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh và động lực phát triển đất nước mà còn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hưởng thụ đời sống vật chất và văn hóa tinh thần là một nhu cầu chính đáng, quyền cơ bản của con người. Được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa chính là một trong những yếu tố cơ bản để góp phần không ngừng xây dựng, bồi đắp, hoàn thiện những phẩm chất nhân cách cao đẹp cho con người, làm cho con người ngày càng nhân văn hơn, tiến bộ hơn.

Các giá trị văn hóa mà con người được hưởng thụ là tất cả những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã được kết tinh, trao truyền từ đời này sang đời khác; là những tác phẩm thuộc các loại hình văn học, nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh,...); là những mỹ tục, nghi lễ, tín ngưỡng tốt đẹp,... của cộng đồng, của đất nước.

Văn hóa là những giá trị tốt đẹp đã được hình thành, kết tinh, hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, là thành quả lao động sáng tạo của thế hệ này tiếp thế hệ khác. Vì vậy, mỗi công dân không chỉ có quyền nghiên cứu, tiếp cận các giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà còn được tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới.

ADQuảng cáo

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc quy định quyền tiếp cận các giá trị văn hóa là mở “cánh cửa tâm hồn”, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội được mở rộng giao lưu, học hỏi, tiếp thu những giá trị nhân văn cao cả đã được nhân loại tiến bộ thừa nhận, qua đó không ngừng làm giàu giá trị văn hóa cho mỗi cá nhân và cộng đồng, dân tộc.

Quyền sử dụng các cơ sở văn hóa có nghĩa là xác lập quyền sở hữu toàn dân về các cơ sở văn hóa, các thiết chế văn hóa mà Nhà nước, xã hội và cộng đồng đã xây dựng. Cụ thể như các khu vui chơi, giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện, sân vận động, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm internet công cộng,...

Những cơ sở, thiết chế văn hóa này là tài sản chung nên mọi người đều có quyền sử dụng để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình. Nhà nước, chính quyền các cấp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân quản lý các cơ sở, thiết chế văn hóa, còn mọi người dân đều có quyền sử dụng các cơ sở, thiết chế văn hóa đó để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí... của mình.

Bốn nội dung “hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng” các giá trị văn hóa quy định tại Điều 41, Hiến pháp năm 2013 là một thể thống nhất trong các quyền của con người ở lĩnh vực văn hóa. Có thể nói, đây là những quyền căn bản nhất của quyền con người và thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Bởi vì, khi con người được “hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các sơ sở văn hóa” sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hài hòa giữa thể chất và tâm hồn, giữa lý trí và tình cảm, làm cho con người ngày càng tiệm cận gần hơn đến các giá trị chân - thiện - mỹ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người có quyền hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng các giá trị văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO