Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

Tường Mạnh| 10/06/2015 09:42

Khoản 3, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

ADQuảng cáo

Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết đã được ghi nhận tại Điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Đây là một quy định hợp lý cả về mặt sinh lý cũng như về mặt pháp lý, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, bằng hành vi của mình họ có thể tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật.

Sự ra đời của luật đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động hiến xác, bộ phận cơ thể được diễn ra thuận lợi. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì việc tiến hành lấy, ghép mô, xác, bộ phận cơ thể người hiến đã giúp cho cuộc sống của rất nhiều người được kéo dài thêm, được chữa khỏi bệnh.

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào muốn thực hiện cũng được, mà phải đạt những điều kiện về khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi. Theo quy định của luật, việc lấy mô, bộ phận cơ thể người phải có sự đồng ý của người hiến thông qua việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống hoặc sau khi chết, ngoại trừ trường hợp khi cấp cứu, cần lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống để cấy, ghép cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì không cần đăng ký, chỉ cần có sự đồng ý của người đó.

ADQuảng cáo

Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người hiến lẫn người được ghép bộ phận cơ thể, luật còn đặt ra điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép bộ phận cơ thể, đó là phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Mọi hoạt động lấy, ghép bộ phận cơ thể người không đúng theo quy định đều là hành vi bị cấm. Luật cũng cấm các hành vi ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi.

Việc hiến tặng nội tạng, bộ phận cơ thể để ghép chữa cho người bệnh là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Theo các nhà chuyên môn, từ những lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, việc quy định quyền hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác sau khi chết là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý trong bối cảnh đất nước ta hiện nay.

Thực tế cuộc sống cho thấy,  nhiều trường hợp con người do tai nạn, do sự kiện bất ngờ dẫn đến nhiều trường hợp chết lâm sàng hoặc chết thực sự. Tuy nhiên, một số bộ phận cơ thể của họ vẫn còn sống và vẫn có thể dùng để cứu chữa người bệnh hoặc dùng để nghiên cứu khoa học. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người còn sống họ cũng tình nguyện hiến các bộ phận cơ thể của mình để cứu người bệnh trong cơn nguy kịch.

Ở nước ta thì việc cha, mẹ hiến để chữa trị cho con cái hoặc những người thân thích với nhau là không hiếm…Bên cạnh đó, một số người muốn sau khi mình chết đi thi thể của họ sẽ không bị chôn vùi một cách vô ích lãng quên cùng với cát bụi mà họ muốn hiến cho các trung tâm nghiên cứu y học, hoặc cho người bệnh nhằm mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học.

Với việc Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật, thêm một lần nữa thể hiện rõ sự tiến bộ và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Hiến pháp đã tạo khung pháp lý để Việt Nam phát triển ngành kỹ thuật y học ghép mô cũng như bộ phận cơ thể người. Đây cũng là cơ sở để tạo điều kiện hơn nữa cho việc thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo, phục vụ cho chữa bệnh, cứu sống nhiều người bệnh hơn nữa.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO