Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể

Tường Mạnh| 26/05/2015 09:49

Khoản 1, Điều 20, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong các quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948, Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (1966) và được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982. Nếu như Hiến pháp 1992 chỉ quy định chung chung, giới hạn trong phạm vi quyền công dân thì Hiến pháp 2013 đã quy định theo hướng: quyền bất khả xâm phạm về thân thể là quyền tự nhiên, quyền bẩm sinh của con người, đồng thời quy định rõ nội hàm và các yêu cầu của quyền này. Việc hiến định rõ ràng, cụ thể nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm ngăn chặn mọi hành vi tùy tiện xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người.

Trên thực tế, để đảm bảo thực thi quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, trong Bộ Luật hình sự cũng đã có quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, trong đó có 17 tội danh liên quan đến hành vi trực tiếp hay gián tiếp, việc vô tình hay cố ý xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác một cách bất hợp pháp. Vì vậy, có thể nói, mọi quy định của pháp luật đều nhằm bảo vệ các quyền của công dân, đảm bảo cho công dân được thực hiện một cách tốt nhất những quyền mà mình có. Theo đó, để tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, Nhà nước quy định chỉ trong trường hợp phạm tội quả tang thì công dân mới bị bắt. Trong các trường hợp khác nếu muốn bắt giữ một người chỉ khi có quyết định của tòa án hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát. Khi tiến hành bắt và giam giữ một ai đó thì phải tuân theo những quy trình đã được pháp luật quy định, làm trái hay thiếu sót một trình tự thì việc bắt và giam giữ người ấy sẽ là hành vi trái pháp luật và nếu dẫn tới hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý về hình sự.

Bên cạnh đó, luật pháp cũng nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình. Khi một người bị bắt hay giam giữ thì quyền công dân hay các quyền cơ bản khác của con người vẫn được pháp luật bảo vệ và yêu cầu các cá nhân, tổ chức khác tôn trọng. Do đó mọi hình thức truy bức, nhục hình đối với người bị bắt, giam giữ đều bị nghiêm cấm và nếu trong trường hợp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi đó có thể bị xử lý về hình sự để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Theo quy định của pháp luật, bất kỳ người nào, bao gồm cả những người đang thi hành công vụ cũng không được truy bức, nhục hình với những người đang bị tạm giam, tạm giữ, tù nhân. Mặt khác, việc tiến hành khám người theo thủ tục tố tụng hình sự hay hành chính cũng phải tuân theo quy định của pháp luật.

Pháp luật cũng quy định, mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo pháp luật. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa một bước đối với người làm chứng. Theo đó, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng.

Về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam đã thể hiện rõ được những tư tưởng bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Nhà nước Việt Nam chủ trương bảo vệ quyền con người, song cũng sẵn sàng nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh cho toàn xã hội, vì lợi ích của mỗi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO