Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Tường Mạnh| 30/06/2015 09:10

Điều 22, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản, là tài sản quan trọng của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà ở còn là một hàng hóa đặc thù mang tính kinh tế, chính trị, xã hội, vừa góp phần vào quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết an sinh xã hội.

Nhà ở còn có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội như: Quy hoạch, đất đai, tài chính, đầu tư… và nhiều chủ thể khác nhau như: chính quyền, doanh nghiệp, công dân. Vấn đề nhà ở luôn được coi là vấn đề quan trọng, đặc biệt đối với con người Việt Nam, bởi tư tưởng “an cư lạc nghiệp” đã ăn sâu, bén rễ trong suy nghĩ từ ngàn đời nay. Nhà ở và quyền có nhà ở hợp pháp là một trong những yếu tố phản ánh bản chất của xã hội.

Vì vậy, việc Hiến pháp năm 2013 hiến định về quyền có nơi ở hợp pháp thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm giải quyết chỗ ở ổn định của người dân, bảo đảm được khả năng tái tạo sức lao động cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền có nơi ở của công dân và luôn coi đây là yếu tố cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện; đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc tạo môi trường, điều kiện, khung pháp lý thuận lợi cùng các giải pháp phù hợp để mọi người dân và các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực cùng Nhà nước phát triển và thực hiện chính sách về nhà ở.

Tuy nhiên, điểm lưu ý ở đây là quyền có nơi ở hợp pháp của công dân đã được hiến định, song quyền này không phải là sự yêu cầu Nhà nước xây dựng nhà ở cho toàn bộ người dân hay Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ nhà ở cho tất cả các công dân.

Bên cạnh đó, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền cơ bản của công dân và được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam không chỉ ghi nhận và thể hiện sự tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở mà còn đề ra các biện pháp để bảo vệ quyền này.

Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thậm chí xử lý hình sự đã được đặt ra để bảo vệ quyền nói trên khỏi sự xâm phạm. Theo đó, công dân có quyền được các cơ quan nhà nước và mọi người tôn trọng chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở của công dân có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện có người đang có lệnh truy nã.

Như vậy, việc khám xét chỗ ở của công dân được pháp luật quy định rất chặt chẽ, nếu khám xét chỗ ở của công dân không đúng với quy định đều là hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân. Hành vi xâm phạm chỗ ở sẽ bị cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi được thực hiện do cố ý, nếu thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém thì tùy trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý hành chính. Nói chung, đối với các hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép đều có thể bị pháp luật nghiêm trị, nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO