Hôn nhân phải theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng

Tường Mạnh| 10/11/2015 09:57

Điều 36, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

ADQuảng cáo

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách. Hôn nhân là mối quan hệ đặc biệt trong quan hệ gia đình. Vì vậy, pháp luật cũng có những quy định rất rõ ràng để điều chỉnh các hành vi, ứng xử trong vấn đề hôn nhân và gia đình ngày càng phù hợp hơn.

Trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung, có tính chất tiếp thu, kế thừa và phát triển, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015 được xem là đạo luật được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Trong đó, về điều kiện kết hôn, tại khoản 1, Điều 8 quy định: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự…”.

Hiện nay, ở Việt Nam, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được xem là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc quy định chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình, luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, đó là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

ADQuảng cáo

Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, pháp luật cũng quy định ngăn cấm đối với các hành vi như: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…

Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, có nghĩa vụ sống chung với nhau...

Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình. Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể có trách nhiệm vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hôn nhân phải theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO