Đề cao quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc

Tường Mạnh| 28/10/2015 08:47

Khoản 1 và 2, Điều 35 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

Có thể nói, quy định mới trong Hiến pháp 2013 đã đề cao quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc. Đây là một trong những quyền con người quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động. Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện để công dân (cá nhân) có thể tự tạo việc làm, làm giàu bằng sức lao động của chính bản thân họ.

Về cơ bản, pháp luật lao động nước ta không mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và việc đảm bảo các quyền con người nói chung và quyền tự do việc làm nói riêng trên thực tế là phù hợp, thậm chí ở mức tiến bộ so với thông lệ quốc tế.

Cùng với việc khẳng định vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động thì pháp luật cũng khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Người lao động tham gia vào quan hệ lao động, có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào, làm bất cứ công việc gì mà pháp luật không cấm cũng như có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với điều kiện sinh sống. Người lao động có quyền chủ động nắm bắt công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe của mình.

Người cần tìm việc làm có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký tại các tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm công việc. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và học nghề phù hợp với yêu cầu về việc làm của mình.

Bên cạnh quyền tự do việc làm, các chế độ về tiền lương, điều kiện lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi cũng được xác định theo nguyên tắc chung, không phân biệt thành phần kinh tế, giới tính. Điều này góp phần cho việc thực hiện quyền tự do lao động của công dân. Trong trường hợp điều kiện lao động không đảm bảo hoặc khi có cơ hội tốt hơn, người lao động có thể chấm dứt quan hệ lao động này để tham gia vào quan hệ lao động khác trên cơ sở của pháp luật.

Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động không chỉ tự do lựa chọn việc làm mà còn được người sử dụng lao động cam kết đảm bảo làm việc lâu dài, phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn. Theo quy định của pháp luật lao động, quyền được đảm bảo việc làm của người lao động thể hiện rõ trong các quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Đó là, người lao động được đảm bảo việc làm theo đúng công việc, nơi làm việc, thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; đảm bảo việc làm trong các trường hợp đặc biệt như thay đổi cơ cấu tổ chức hoặc công nghệ sản xuất, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp; đảm bảo việc làm đối với một số lao động đặc thù như lao động nữ, lao động khuyết tật.

Trong trường hợp, cá nhân trở thành người sử dụng lao động và tham gia thị trường lao động sẽ được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sử dụng nhiều lao động. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức dịch vụ, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động, có quyền tăng giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO