Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt

Tường Mạnh| 04/08/2015 10:00

Điều 26, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Bình đẳng giới được xem là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, nó vừa là mục tiêu của sự phát triển vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia.

Ngay từ năm 1946, Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử”. Chính sách bình đẳng nam nữ cũng được thể hiện nhất quán trong các Hiến pháp sau đó.

Bình đẳng giới còn được quy định trong  luật Bình đẳng giới, được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006. Điều 4 của luật Bình đẳng giới khẳng định: Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Có thể nói, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

Sau gần 30 năm đổi mới toàn diện, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Thành công này có được là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và công sức của toàn dân, trong đó hơn phần nữa dân số là phụ nữ. Chị em đã tích cực tham gia phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đội ngũ những nhà doanh nghiệp trẻ, năng động, sáng tạo, có không ít gương mặt tài giỏi của phụ nữ. Trên các lĩnh vực khác như: chính trị, văn hóa, xã hội đều có phụ nữ tham gia. Nhiều chị em đã thể hiện tài năng, đức độ của mình không thua kém nam giới.

Phụ nữ nước ta ngày càng bình đẳng với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Điều đáng quý là tuy tham gia ngày càng nhiều vào các mặt đời sống của xã hội, nhưng chị em vẫn làm tròn thiên chức của người mẹ trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Nhìn chung, việc bảo đảm quyền bình đẳng giới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có tiến bộ vượt bậc so với trước. Phụ nữ và nam giới có sự bình đẳng về thực chất trên các lĩnh vực cuộc sống, nhưng việc thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ đâu đó vẫn còn hạn chế.

Phấn đấu để khắc phục những khoảng cách giới là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm lợi ích của từng giới trong việc thực thi quyền con người ở Việt Nam. Vì vậy, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động về thực hiện bình đẳng giới. Quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, bảo vệ sức khỏe, đời sống gia đình… cần phải tiếp tục được thực hiện đầy đủ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO