Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội

Tường Mạnh| 28/07/2015 08:56

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Các quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được khẳng định ngay trong Điều 10, Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Nhà nước Việt Nam, sau đó được tiếp tục ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Các quyền hiến định đó được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, luật Báo chí có ghi rõ các điều khoản về bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí và Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí. Báo chí và nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức và cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Đồng thời, không ai được lạm dụng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân.

Công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình trong nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không phải kiểm duyệt; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, phát biểu ý kiến, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại.

Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc đăng, phát sóng các tác phẩm, ý kiến của công dân, trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời khiếu nại, tố cáo, ý kiến đóng góp…

Cần nhấn mạnh rằng, mỗi nước, do bản chất của chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, điều kiện lịch sử đặc thù, tình hình cụ thể trong nước và quốc tế, mà định ra các luật của mình tương thích với nhu cầu thực tế phát triển của đất nước. Do vậy, luật báo chí của các quốc gia, các khu vực khác nhau sẽ không giống nhau và trong các thời kỳ lịch sử khác nhau cũng khác biệt nhau. Chính vì vậy, nội hàm cụ thể của quyền tự do báo chí, xuất bản, thông tin cũng khác nhau ở các nước khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả các quyền này, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không phải là các quyền tuyệt đối, không giới hạn, mà là các quyền có giới hạn. Giống như ở nhiều nước, luật Báo chí của Việt Nam cũng ghi rõ những điều không được thông tin trên báo chí.

Cụ thể, báo chí không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác; không được tiết lộ bí mật Nhà nước; không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Thực tiễn đã chứng minh, trong thời kỳ đổi mới ở nước ta, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc, cải thiện và nâng cao đáng kể điều kiện và khả năng tự do tiếp cận thông tin, trình bày chính kiến, nguyện vọng của mọi người dân.

Tự do hội họp, lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng trong Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam hiện có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có phạm vi hoạt động trong toàn quốc, liên tỉnh, thành phố; 20 tổ chức công đoàn ngành; trên 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở các địa phương hoạt động, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Sở dĩ Việt Nam có một số lượng lớn các hội, tổ chức hội, hiệp hội… là do Nhà nước đã nỗ lực đảm bảo và phát huy tối đa mọi quyền lợi chính đáng của công dân.

Tuy nhiên, lợi dụng quyền tự do hội họp, lập hội để chống phá Nhà nước, nhân dân lại là việc làm trái pháp luật. Như vậy, rõ ràng là không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội phương hại đến lợi ích quốc gia và quyền tự do của người khác. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do lập hội và sẽ chẳng ai bị hạn chế nếu các hội ấy hoạt động thực sự vì con người, vì lợi ích của nhân dân.

Quyền biểu tình cũng đã được hiến định và là một trong những công cụ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực, bày tỏ ý chí, nguyện vọng và đòi hỏi của mình trước thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Do vậy, công dân có quyền thực thi quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước hoặc bày tỏ chính kiến của mình về mọi vấn đề của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO