Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đều là công bộc của dân

Tường Mạnh| 13/08/2014 08:48

Khoản 2, Điều 8, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

Xây dựng một Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là tư tưởng nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà nước Việt Nam kiểu mới thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó công, nông là gốc và trí thức có vị trí quan trọng đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng.

Tất cả mọi người dân Việt Nam, không phân biệt gái trai, giàu nghèo, nòi giống, dân tộc, tôn giáo… đều là người chủ của đất nước, có trách nhiệm xây dựng Nhà nước. Quyền lực tối cao của nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp mà còn ở quyền bãi miễn, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu.

Nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ còn bao hàm một nội dung quan trọng khác đó là nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước. Nhà nước của dân, do dân là Nhà nước dân chủ, thể hiện quyền lực của giai cấp công nhân, đồng thời cũng bảo đảm thực thi quyền lực của nhân dân lao động. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các quá trình xây dựng Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Đặc biệt, các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện nay đều thể hiện điều đó.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật sự khác nhau căn bản về chất giữa Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với các loại hình nhà nước trước đó: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ phải quan tâm đến những kiến nghị, đề đạt của nhân dân: "Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Vì vậy, việc đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của nhà nước.

Muốn đạt được mục đích nhân bản đó, vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách giữ cho được định hướng hoạt động của nhà nước, bảo đảm cho bộ máy thật sự trong sạch. Nếu hoạt động của nhà nước kém hiệu quả, bộ máy quan liêu, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, bị thoái hóa, biến chất thì nhà nước đó đã trượt khỏi quỹ đạo dân chủ nhân dân, trở thành một thế lực đối lập với nhân dân.

Bằng nhạy cảm chính trị, chiêm nghiệm thực tiễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện và cảnh báo ngay từ rất sớm những căn bệnh có thể phát sinh, làm biến dạng, tha hóa Nhà nước. Nguy hại nhất là khi được nhân dân ủy quyền, một số cán bộ, công chức “đã vác mặt đi làm quan cách mạng”, kéo bè, kéo cánh để thu vén lợi ích cá nhân. Hình thức biểu hiện của các căn bệnh này được gọi là “giặc nội xâm”, hết sức nguy hiểm và gây hậu họa nghiêm trọng, làm thất thoát tiền của Nhà nước, chậm tốc độ phát triển, nhất là làm xói mòn niềm tin của dân, làm cho dân xa Nhà nước.

Vì thế, chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục những tiêu cực trong bộ máy Nhà nước là nhu cầu và việc làm thường xuyên, đảm bảo cho Nhà nước thật sự là công bộc của dân. Nếu thấu hiểu và làm đúng cách đó thì mỗi cán bộ, công chức có thể phòng tránh, ngăn ngừa, không phạm phải những lỗi lầm kể trên. Trong công cuộc xây dựng bộ máy Nhà nước và nền hành chính, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đóng một vai trò hết sức quan trọng vì “Cán bộ là nguồn vốn của Nhà nước”, là cái gốc của mọi công việc.

Chất lượng, năng lực, hiệu lực của Nhà nước phụ thuộc một phần lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức Nhà nước là người vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên, liên lạc mật thiết với quần chúng nhân dân, thạo việc, dám phụ trách giải quyết những vấn đề trong lúc khó khăn; khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành nghị quyết thì gan góc, kiên quyết.

Cán bộ, công chức Nhà nước phải có đủ các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức và học thức, nắm vững lý luận, sâu sát thực tế, có lý trí vững chắc, tình cảm trong sáng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và khoa học, chấp hành đúng pháp luật. Nắm vững pháp luật và vận dụng nhuần nhuyễn luật pháp để giải quyết đúng công việc hàng ngày là đòi hỏi không thể thiếu đối với cán bộ, công chức.

Có thể nói, nhận thức và cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các nguy cơ, căn bệnh phát sinh trong hoạt động của bộ máy Nhà nước và cách phòng tránh, khắc phục chúng ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự, soi đường, chỉ lối cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao, đảm bảo cho Nhà nước ta thật sự phục vụ quyền lợi của nhân dân, trở thành công bộc, đầy tớ của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đều là công bộc của dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO