Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị

Tường Mạnh| 23/12/2014 08:36

Khoản 2, Điều 59, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác.

ADQuảng cáo

Có thể nói, coi trọng các vấn đề xã hội, thực hiện an sinh xã hội, quan tâm đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và an sinh xã hội vì sự phát triển của con người là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức tặng quà người nghèo, dân tộc thiểu số ở xã Đắk Ru (Đắk R'lấp). Ảnh: Hoàng Hoài

Vì vậy, trong những năm qua, cùng với những thành tựu phát triển mạnh mẽ kinh tế, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, Đảng và Nhà nước đã có những nỗ lực to lớn trong việc đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách để thực hiện an sinh xã hội, chăm lo cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân.

Cụ thể như các chương trình xóa đói giảm nghèo của nước ta ở tầm quốc gia đã thu được những kết quả rất tốt đẹp, được dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Về việc giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các cộng đồng dân cư, nước ta cũng là một trong những quốc gia đã hoàn thành sớm các Mục tiêu thiên niên kỷ, nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù cũng còn có những hạn chế, bất cập so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, nhưng kết quả, thành tích mà nước ta đạt được về phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cũng như những nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế… là những minh chứng về những tiến bộ đáng kể thực hiện an sinh xã hội.

ADQuảng cáo

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội và an sinh xã hội  trong thập kỷ tới, Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức trong điều kiện khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tác động vào, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước suy giảm, lạm phát và thất nghiệp gia tăng, đời sống, mức sống người dân giảm sút.

Vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng đã ra Nghị quyết về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới an sinh xã hội. Cùng với việc nêu ra những hạn chế, yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội, nghị quyết đã xác định những quan điểm rất cơ bản, có tác dụng và ý nghĩa chỉ đạo thực hiện lâu dài.

Trong đó, nghị quyết đã nhấn mạnh, bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và là trách nhiệm của toàn xã hội. Các chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên đối với người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện; phải bảo đảm công bằng và bền vững có tính chia sẻ giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia; đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Tăng cường hội nhập quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Những quan điểm chỉ đạo nêu trên, Nhà nước đang từng bước thể chế hóa thành luật và chính sách để thực hiện trong cuộc sống, tập trung vào các nhiệm vụ: việc làm, thu nhập, giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp chung, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm; hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; bảo đảm giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu, hướng trực tiếp vào người nghèo, hộ nghèo; tăng cường thông tin truyền thông đến người dân nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn… Đây được xem là những nỗ lực đầy trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện an sinh xã hội, nhằm phục vụ tốt hơn cuộc sống của nhân dân, tạo động lực phát triển xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO