Xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập: Đang "mắc cạn" do nhiều nguyên nhân

Ngọc Dũng| 04/05/2020 09:11

Thực hiện kế hoạch xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh được đầu tư xây dựng 20 bể bơi/20 trường tiểu học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này mới chỉ có 2/11 bể bơi được nghiệm thu, sử dụng đúng tiến độ đề ra.

ADQuảng cáo

Chỉ 2/11 trường có bể bơi hoàn thiện

Mục tiêu hướng đến của kế hoạch là khai thác hiệu quả các bể bơi được xây dựng để thực hiện giáo dục bơi cho đa số học sinh có thể học bơi sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, tiến tới mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh tiểu học toàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể mà kế hoạch đặt ra là đến năm 2020, xây dựng được 20 bể bơi, trong đó có 4 bể cố định và 16 bể di động.

Bể bơi tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Nghĩa) hiện vẫn thiếu hàng rào nên chưa nghiệm thu, bàn giao sử dụng theo đúng kế hoạch

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là có 40% học sinh tiểu học biết bơi sau khi hoàn thành chương trình bậc học. Mục tiêu dài hơn là đến năm 2025 sẽ có 40 bể bơi, phục vụ cho khoảng 70% học sinh tiểu học sau khi hoàn thành chương trình bậc học. Tổng kinh phí thực hiện trong cả hai giai đoạn là 38,8 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 là  9,92 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 28,88 tỷ đồng.

100% kinh phí xây dựng các bể bơi do ngân sách tỉnh hỗ trợ, bao gồm kinh phí xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục bơi, tập huấn giáo viên dạy bơi, chi phí điện, nước, hóa chất và nhân viên bảo dưỡng... Việc xây dựng bể bơi di động nhằm luân chuyển giữa các trường, giúp nhiều học sinh được tiếp cận kỹ năng bơi hơn. Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành các bể bơi trong năm 2018, một số trong năm 2019. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 11/20 trường được bố trí vốn thực hiện. Trong đó, chỉ có 2/11 trường có bể bơi hoàn thiện, 9/11 bể bơi chưa được nghiệm thu hoặc bàn giao đúng kế hoạch.

Hạn chế từ nhiều phía

Hưởng lợi từ kế hoạch trên, Trường tiểu học N’Trang Lơng (Đắk Glong) được đầu tư một hồ bơi di động với tổng kinh phí 270 triệu đồng do Phòng GD-ĐT huyện làm chủ đầu tư. Nhà thầu là Công ty Đại Phát Uy (Đắk Lắk). Thời gian dự kiến thi công trong 20 ngày và bàn giao sử dụng vào tháng 12/2018. Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, công trình mới được nghiệm thu hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được xác định là do nhà thầu trì trệ, không thực hiện đúng hợp đồng. Trong khi, chủ đầu tư cũng chưa có biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng đối với nhà thầu.

Tại huyện Đắk R’lấp cũng có 2 bể bơi được xây dựng tại Trường tiểu học Bùi Thị Xuân và Trường tiểu học Lê Đình Chinh. Tuy nhiên, cả hai công trình đều chậm tiến độ 1 năm so với kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chủ đầu tư là Phòng GD-ĐT huyện chưa thực hiện tốt công tác giám sát, đôn đốc nhà thầu thực hiện đúng kế hoạch.

Ngoài nguyên nhân tắc trách của các chủ đầu tư, thì một phần là do nhà thầu làm không đúng mẫu thiết kế nên không thể bàn giao. Điển hình như bể bơi di động tại Trường tiểu học Chu Văn An (Đắk Song) thi công vượt quá tiêu chuẩn, không thể dạy bơi được cho trẻ từ 7 đến 10 tuổi.

ADQuảng cáo

Các bể bơi chưa bàn giao đúng tiến độ khác là ở Trường tiểu học Kim Đồng (Cư Jút); Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Đắk Mil); Trường tiểu học Lê Hồng Phong (Tuy Đức); Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Trường tiểu học  Võ Thị Sáu (Gia Nghĩa).

Học sinh tử vong do đuối nước ngày càng tăng

Tình trạng học sinh, trẻ em tử vong do đuối nước vẫn luôn “nóng”, nhất là trong các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, số lượng trẻ đuối nước hàng năm đều tăng, chủ yếu là học sinh do không biết bơi. Đáng buồn hơn là có những vụ đuối nước cùng lúc có nhiều trẻ tử vong. Dư luận vẫn chưa quên chuyện thương tâm về 4 học sinh Trường THCS Đắk Búk So (Tuy Đức) tử vong khi rủ nhau đi tắm ở đập thủy lợi. Vì không biết bơi nên một em hụt chân, những em còn lại cố gắng cứu bạn nhưng đều không thành.

Mới đây, khi hai chị em Nguyễn Thị H, học sinh lớp 11 ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil) đi bắt ốc ở ao nhà không may người em bị lún bùn. Em H thấy vậy cố gắng cứu em nhưng do cả hai đều không biết bơi nên đã tử vong sau đó. Gần đây nhất, em Trần Văn H, ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) khi phụ giúp gia đình cắt cỏ đã tử vong do vô tình sẩy chân tại một bờ ao.

Rất nhiều câu chuyện thương tâm đã xảy ra liên quan đến tai nạn thương tích do trẻ không biết bơi. Trong đó, một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới là môi trường dạy kỹ năng bơi cho trẻ trên địa bàn toàn tỉnh còn khá khiêm tốn.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ đuối nước làm 9 trẻ tử vong (số liệu chưa đầy đủ). Trong đó, riêng tháng 4/2020 có đến 5 vụ đuối  nước xảy ra làm 5 trẻ tử vong.

Cần lắm tinh thần trách nhiệm

Thực tế cho thấy, nhu cầu học kỹ năng bơi của trẻ em, học sinh rất cao. Trong khi đó, các dịch vụ dạy bơi bên ngoài rất ít và không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em tham gia. Việc ban hành kế hoạch xây dựng bể bơi ở các trường tiểu học công lập cũng xuất phát từ những nguyên nhân đó. Các bể bơi hoàn thiện sẽ phục vụ thiết thực cho học sinh ở các trường tiểu học.

Tuy nhiên, với vai trò là chủ đầu tư, các phòng giáo dục, các nhà trường vẫn chưa thật sự nhiệt tâm trong quá trình triển khai. Nhiều công trình yêu cầu bàn giao sử dụng trong năm 2018 nhưng đến tận thời điểm này vẫn nằm trơ bể, chưa thể sử dụng.

Qua kiểm tra, rà soát về việc triển khai kế hoạch, Sở GD-ĐT cũng đã kiến nghị các chủ đầu tư thuộc 8 huyện, thành phố khẩn trương khắc phục hạn chế, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm bàn giao, đưa các công trình vào vận hành. Tuy nhiên, thời hạn khắc phục cũng không nêu cụ thể. Kế hoạch "Xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh nêu rõ thời gian, trách nhiệm thực thi của các đơn vị liên quan nhưng gần như chưa phát huy hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập: Đang "mắc cạn" do nhiều nguyên nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO