Vượt khó “gieo chữ” ở Năm Tầng

Đức Hùng| 06/10/2014 14:29

Từ phân hiệu nhỏ, đến nay thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la (Đắk Mil) đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng ngôi trường Phổ thông cơ sở mới mang tên nhà thơ Nguyễn Khuyến làm nơi học tập cho con em bà con dân tộc Dao, Mông nơi đây. Tuy nhiên, để “con chữ” “bám được” lại nơi đây luôn là “bài toàn khó” đối với thầy cô nhà trường.

ADQuảng cáo

Gian nan đường đến trường

Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Khuyến, được thành lập từ năm 2012 thuộc địa bàn thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la (Đắk Mil), hiện có 14 lớp gồm: 241 học sinh tiểu học, 60 học sinh mẫu giáo, 48 học sinh THCS.

Học sinh chủ yếu thuộc 2 dân tộc Mông, Dao. Để đến trường có tới hai con đường nhưng vào mùa mưa chỉ có một cách duy nhất là đi vòng từ xã Trúc Sơn, Chư K’nia (Chư Jút) dài khoảng 35 km, nhưng cũng không phải dễ dàng, bởi đây là những đoạn đường dốc đá, ngập nước, trơn trượt và lầy lội. Xe máy muốn vượt qua đoạn đường này, người lái phải chạy số 1 rồ ga, hai chân chống đất cứ thế di chuyển về phía trước, lâu lâu lại nghe tiếng đá va vào lốc xe đánh cộp. Vượt hết con dốc lại đối mặt với đoạn đường bị xới tung bởi những chiếc máy cày chở nông sản.

Giáo viên Trường PTCS Nguyễn Khuyến, với hành lý và chiếc ủng chuyên dụng “lội bùn”, đi bộ vào trường

Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Khuyến cho biết: “Đường thế này là đẹp lắm rồi, nắng cả tuần rồi đấy, chỉ cần một trận mưa thì đường trơn trượt lắm, muốn đi phải “mặc áo xích” vào bánh xe mới chạy nổi. Đó là đối với giáo viên nam, khỏe mạnh. Còn với giáo viên nữ thì phải thường xuyên gửi xe cách trường khoảng 5 km, rồi tay xách nách mang hành lý, giáo án đi bộ để vào trường. Vì thế, trong hành trang của các cô, không thể thiếu đôi ủng “chuyên dụng” dành để lội bùn”.

Cô giáo Đào Thị Thúy Kiều chia sẻ: “Có hôm vào đến trường, quần áo bê bết bùn đất, chân tay bầm dập vì té xe va phải đá. Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt khát khao con chữ, ham học của các em, mình lại quên đi tất cả”. Còn cô giáo Ngô Thị Thu Linh, chủ nhiệm lớp 1 tâm sự: “Thời gian này đã có hàng quán mở trên địa bàn nên bữa ăn của thầy cô còn có chút rau, thức ăn tươi, chứ trước đây thì chỉ có mì gói và cá khô thôi. Đời sống vất vả, nhưng được dạy chữ cho các em là vui lắm rồi”.

Nỗ lực "gieo chữ"

Vào trường đã khó, nhưng để đảm bảo số học sinh luôn là “bài toán khó” đối với thầy cô nơi đây. Bởi với đặc thù địa bàn thôn Năm Tầng là vùng kinh tế khó khăn, học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều khu dân cư chưa có đường đi.

ADQuảng cáo

Đặc biệt vào mùa mưa một số địa bàn gần như bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Điều này đã làm nản lòng không ít học sinh. Mặt khác, đời sống người dân trên địa bàn chủ yếu từ nông nghiệp nên những em học sinh từ lớp 4 đến lớp 7 thường xuyên nghỉ học để phụ giúp gia đình theo mùa vụ. Vì vậy, bước vào đầu mỗi năm học, các thầy cô giáo thường xuyên tổ chức các đợt đi đến từng nhà để vận động con em tới trường.

Giáo viên, học sinh Trường PTCS Nguyễn Khuyến cùng vượt khó

Cô giáo Cao Thị Thanh Huyền, chủ nhiệm lớp 7A chia sẻ: “Việc đi vận động học sinh ở đây như “cơm bữa” thôi. Cứ thấy sĩ số lớp vắng hay một em vắng 2 buổi không có giấy xin phép là giáo viên phải đến nhà, thậm chí theo lên tận rẫy xin phép bố mẹ cho em quay lại lớp học. Nhiều em ở xa điểm trường, đi vận động gặp mưa gió không về được, việc xin ngủ lại trong nhà dân là chuyện bình thường”.

Cùng với vận động học sinh đến trường, đảm bảo sĩ số thì để đảm bảo chất lượng dạy và học cho các em, nhà trường đã mở và duy trì 4 lớp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và bồi dưỡng học sinh yếu từ lớp 3 tới lớp 6 vào thứ Bảy và Chủ nhật. Trường còn mời những người rành tiếng phổ thông và tiếng Mông, Dao tham gia trợ giảng trong quá trình dạy để truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Mặt khác, do đa số các thầy cô giáo đều là người Kinh, còn các em học sinh chủ yếu người Mông, Dao. Vì vậy, các thầy cô còn tích cực tìm hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của người đồng bào.

Thầy giáo Trần Ngọc Anh, chủ nhiệm lớp 5B chia sẻ: “Ngoài việc soạn giáo án để lên lớp, các thầy cô giáo còn phải học tiếng Mông, tiếng Dao từ người dân hay các em học sinh. Học và biết tiếng Mông, khiến mình cảm thấy gần gũi, thân thiết với bà con dân bản và các em học sinh nhiều hơn”.

Với những nỗ lực của thầy và trò mà trong năm học 2013-2014 vừa qua, trường có 80 học sinh khá, giỏi, 3 học sinh được nhận học bổng về thành tích vượt khó học giỏi...

Em Lý Thị Mai, học sinh lớp 7 vui vẻ nói: “Nhờ sự dạy dỗ của các thầy cô giáo, bây giờ em đã nói tiếng Kinh, học bài cũng nhanh hiểu hơn. Các thầy cô cũng nhờ em “bày” cho tiếng Mông, giờ nói được ngôn ngữ của bản làng em rồi. Em ước mơ là sau này được học lên cao đẳng, đại học, quay về giảng dạy cho các em người Mông ở đây”.

Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, thầy, cô giáo của ngôi trường Nguyễn Khuyến đang nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ ngày đêm bám bản, “gieo” cái chữ cho các em học sinh người Mông, Dao nơi đây. Hy vọng rằng một ngày không xa, “cái chữ” sẽ thay đổi diện mạo vùng đất này, đưa các bản làng nghèo khó, lạc hậu bắt kịp, xích lại gần hơn với những ngôi trường trung tâm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt khó “gieo chữ” ở Năm Tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO