Về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam

P.V| 13/09/2016 09:36

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là một chủ trương quan trọng để tạo những chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển con người toàn diện và chất lượng nhân lực bảo đảm sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức và thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

ADQuảng cáo

Học sinh huyện Chư Jút phấn khởi đến trường dự khai giảng năm học mới. Ảnh: Phan Tân

Triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW

Sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/CP, ngày 9/6/2014, về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, với 9 nhóm vấn đề trọng tâm bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;  Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; Đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Trên cơ sở Nghị quyết số 44/NQ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT, ngày 25/7/2014, “Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện thành công 9 vấn đề trọng tâm Nghị quyết số 44-NQ/CP với 27 đề án cụ thể.

Những nghị quyết, kế hoạch này lại tiếp tục được cụ thể hóa thông qua các văn bản chỉ đạo, kế hoạch chi tiết của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động theo định hướng chung, đồng thời tích hợp giải quyết những bất cập của ngành giáo dục tại địa phương.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung triển khai những hoạt động cụ thể sau: Triển khai các hoạt động truyền thông về đổi mới giáo dục và đào tạo; Hoàn thiện khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam; Xây dựng khung trình độ quốc gia của Việt Nam; Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Đẩy mạnh các cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục; Thí điểm tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

ADQuảng cáo

Một là, rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau khi khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai rà soát cơ sở giáo dục các cấp, các bậc học. Việc quy hoạch hệ thống các trường ở các bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm cân đối giữa các nguồn lực, quy mô phát triển, các điều kiện bảo đảm chất lượng với nhu cầu xã hội để bảo đảm chất lượng và thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Hai là, tăng cường phân luồng trong giáo dục. Một trong các điểm yếu của giáo dục nước ta hiện nay là phân luồng chưa hiệu quả, hầu hết học sinh đều dồn vào đại học, trong khi các trường nghề đã được Nhà nước đầu tư nhưng rất ít người học. Việc phân luồng tốt sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực lành nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ba là, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung xây dựng khung năng lực, chuẩn nhà giáo và chuẩn cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tiệm cận dần theo chuẩn ASEAN. Trên cơ sở khung năng lực và chuẩn này sẽ thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Bốn là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị đại học. Đại hội XII của Đảng chủ trương thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển.

Năm là, đẩy mạnh phổ cập tiếng Anh. Trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và quốc tế, năng lực ngoại ngữ, nhất là khả năng sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đẩy mạnh việc giảng dạy và sử dụng tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục, qua đó sẽ góp phần tăng cường năng lực tiếng Anh của người Việt Nam.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin đã được Chính phủ Việt Nam xem như là “hạ tầng của hạ tầng”. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của lĩnh vực giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy chất lượng giáo dục.

Bảy là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục. Việc thu hút các trường đại học hàng đầu đến đầu tư ở Việt Nam, một mặt, góp phần trực tiếp đào tạo nhân lực cho Việt Nam; mặt khác, sẽ tạo một “cú hích”, một động lực cạnh tranh cho các trường đại học Việt Nam.

Tám là, đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, phát triển kinh tế tri thức. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Điều này hết sức cần thiết để bảo đảm tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động cao. Việc đào tạo nhân lực gắn bó chặt chẽ với quy hoạch nhân lực cũng như quy hoạch kinh tế - xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu đào tạo nhân lực, đặc biệt nhân lực trình độ cao, chất lượng cao định hướng theo quy hoạch phát triển kinh tế. Việc đầu tư nguồn lực thích đáng là hết sức quan trọng để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần bảo đảm việc đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động thông qua các biện pháp như định kỳ đánh giá các đòi hỏi của thị trường lao động với sinh viên tốt nghiệp về các chuẩn kiến thức, kỹ năng. Xác định các tiêu chí “nhân lực chất lượng cao” và xây dựng các chương trình đào tạo tương ứng và chính sách hỗ trợ về tuyển sinh, đào tạo, tài chính đáp ứng tiêu chí về nhân lực chất lượng cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO