Tuy Đức thực hiện bán trú để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Nguyễn Hiền| 29/09/2014 10:41

Để nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ, những năm qua, huyện Tuy Đức đã tích cực thực hiện dạy học bán trú, nên hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng trẻ được học bán trú. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 9 trường mầm non với khoảng trên 3.100 trẻ thì hầu hết đều được học bán trú.

ADQuảng cáo

Năm học 2014 - 2015, Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở xã Đắk Búk So có 450 trẻ thì tất cả đều được học bán trú. Để đạt được kết quả trên, thì cùng với việc thực hiện tốt các quy định về công tác bán trú, nhà trường đã tăng cường phối hợp, thu hút phụ huynh vào các hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nhờ thực hiện bán trú nên Trường mầm non Hoa Ngọc Lan ở xã Quảng Trực có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục

Hàng năm, nhà trường đã mời phụ huynh cùng tham gia các hoạt động, hội thi như: dinh dưỡng, bé khỏe-bé ngoan, bé thích làm nội trợ, bé khéo tay hay làm... Trong từng học kỳ, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh trong việc kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ ở các lớp. Việc tổ chức “Góc tuyên truyền cho cha mẹ”, cũng đã đạt được hiệu quả tích cực.

Trong các giờ đưa và đón trẻ, giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về các vấn đề như dinh dưỡng, học tập,  chế độ ăn phù hợp với trẻ khi ở nhà. Với các giải pháp thực hiện bán trú phù hợp, phụ huynh đã dần tin tưởng và đăng ký cho con mình được học bán trú tại trường ngày càng nhiều hơn.

Tương tự, Trường mầm non Nguyễn Thị Minh Khai ở xã Đắk R’tíh hiện có 130 trẻ thì cũng đều được học bán trú. Với đặc điểm có hầu hết là trẻ em dân tộc thiểu số, nhà ở xa, nên khi được ở lại trường, trẻ có thời gian để nghỉ ngơi vào buổi trưa và việc tổ chức các hoạt động buổi chiều cũng đạt hiệu quả cao hơn. Để đảm bảo thực hiện bán trú, nhà trường đã chú trọng việc thay đổi thực đơn bữa ăn hàng ngày và khuyến khích trẻ ăn hết khẩu phần ăn của mình.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, nhà trường luôn chọn lựa, ký hợp đồng với người cung cấp các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, việc tổ chức cân, đo và khám định kỳ 2 lần/năm cho trẻ cũng được chú trọng để có thể theo dõi sự phát triển cũng như kịp thời phát hiện trẻ bị bệnh, suy dinh dưỡng, từ đó đề ra chế độ ăn phù hợp. Đội ngũ giáo viên, bảo mẫu tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thì nhằm đảm bảo cho các trường mầm non thực hiện có hiệu quả công tác bán trú, huyện luôn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học.

Chỉ tính riêng từ năm học 2012 - 2013 đến nay, từ các nguồn vốn khác nhau, các trường mầm non đã được đầu tư trên 66 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị. Các chế độ, chính sách hỗ trợ cho trẻ được thực hiện nghiêm túc như cấp bù học phí, hỗ trợ kinh phí học tập.

Cụ thể như việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ từ 3 - 5 tuổi với mức 120.000 đồng/trẻ/tháng đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng tỷ lệ trẻ học bán trú hàng năm. Riêng trong năm học 2013 - 2014, toàn huyện đã có 3.164 trẻ được hỗ trợ ăn bán trú, trong đó trẻ 5 tuổi là 1.265 cháu. Bước vào năm học mới 2014 - 2015 này, 9 trường mầm non trên địa bàn huyện đã thực hiện bán trú, với 2.832/3.164 trẻ trong độ tuổi được ăn bán trú, chiếm trên 89%; trong đó, trẻ 5 tuổi là 1.040 trẻ, đạt trên 83%.

Nhờ tích cực thực hiện có hiệu quả công tác bán trú nên chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngày càng được nâng cao. Theo đó, tỷ lệ chuyên cần chung của bậc học chiếm 87%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ phát triển bình thường hàng năm đạt trên 92% và 100% trẻ được khám sức khỏe, cân, đo theo định kỳ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức thực hiện bán trú để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO