Tuy Đức nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Nguyễn Hiền| 16/01/2015 09:10

Với đặc điểm có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS), nên các trường học trên địa bàn huyện Tuy Đức luôn chú trọng thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Điển hình như năm học này, Trường tiểu học Phan Bội Châu ở xã Quảng Tân có 323 học sinh thì có đến 104 học sinh DTTS. Vì vậy, vào đầu năm học, cùng với việc vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, thì đối với trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1, trường tổ chức ôn tập hè, nâng cao khả năng tiếng Việt.

Qua đó, trẻ đều biết nói và hiểu tiếng phổ thông khi bước vào năm học, tránh được tình trạng bất đồng ngôn ngữ, dẫn đến bỏ học. Trong suốt năm học, học sinh DTTS ở các khối lớp còn được tăng cường phụ đạo tiếng Việt vào các ngày thứ bảy hàng tuần. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh DTTS tham gia vào các hoạt động chung, phát huy tính tích cực, chủ động, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ, các “đôi bạn cùng tiến”…

Giáo viên Trường mầm non Hoa Lan ở xã Quảng Trực tăng cường các hoạt động để phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ em DTTS

Việc áp dụng phương pháp dạy Công nghệ tiếng Việt 1 cho cả 4 lớp 1 cũng góp phần tích cực giúp học sinh DTTS nắm bắt nhanh, ghi nhớ lâu những kiến thức được học. Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp nên chất lượng học sinh DTTS không ngừng được nâng cao. Chỉ tính riêng trong học kỳ I này, theo hình thức đánh giá học sinh mới thì có đến 91,5%-97,5% học sinh DTTS hoàn thành về học lực, năng lực và  phẩm chất.

Tương tự, Trường THCS Đắk Búk So ở xã Đắk Búk So cũng đã có nhiều hình thức để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục học sinh DTTS nói riêng. Theo đó, hàng năm, học sinh DTTS của trường đều được cấp miễn phí sách giáo khoa, vở viết, bút mực và hàng tháng còn được nhận hỗ trợ 100.000 đồng/em.

ADQuảng cáo

Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các lớp tổ chức “nuôi heo đất” để hỗ trợ, động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập. Nhà trường cũng chú trọng tổ chức phụ đạo cho những học sinh yếu, giúp củng cố lại kiến thức cơ bản, nên đã giảm hẳn tỷ lệ học sinh yếu, kém và nhất là học sinh bỏ học giữa chừng.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đổi mới phương pháp, chú trọng việc tăng cường giao lưu với học sinh nên nhiều em từ chỗ nhút nhát đã dần tích cực và mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình trong giờ học hơn. Với việc chú trọng thực hiện các giải pháp nên hàng năm tỷ lệ học sinh DTTS lên lớp luôn đạt 100%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng nhiều và nhất là hạn chế được tình trạng bỏ học giữa chừng.

Em Thị Xoa, học sinh lớp 8B tâm sự: “Gia đình em rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường thì 3 chị em không thể tiếp tục đến trường như bây giờ. Cùng với việc được cấp phát sách vở miễn phí, thì hàng tháng chúng em còn được hỗ trợ thêm chi phí học tập nên bố mẹ cũng đỡ rất nhiều”.

Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tuy Đức thì việc học sinh DTTS được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách là một trong những điều kiện thuận lợi để địa phương nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, dựa vào đặc điểm riêng, hầu hết các trường đều có những hình thức phù hợp để nâng cao chất lượng học tập của học sinh DTTS. Điển hình như phân công giáo viên người tại chỗ phụ trách các lớp có đông học sinh DTTS; áp dụng các mô hình dạy học mới như Vnen, Công nghệ tiếng Việt 1…

Nhờ đó, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn ngày càng có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh DTTS lên lớp hàng năm luôn chiếm trên 95%. Còn trong học kỳ I này, theo đánh giá sơ bộ của các trường, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành về các mặt học lực, năng lực và phẩm chất chiếm trên 90%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO