Từng bước hoàn thiện điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục

Nguyễn Hiền| 16/07/2019 10:14

Thời gian qua, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tích cực thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư (Khóa X) về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân.

ADQuảng cáo

Nhờ thực hiện tốt Quy chế phối hợp, các trường học đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Ảnh: Học sinh Trường THPT Gia Nghĩa trong giờ học

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự học và sáng tạo

Sở GD-ĐT đã tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Quyết định 211 tới toàn thể cán bộ, công chức và nhân viên cơ quan. Dựa vào điều kiện thực tế, Sở GD-ĐT đề xuất các chủ trương, giải pháp công tác tư tưởng trong quá trình triển khai các dự án, đề án.

Trong đó, đáng chú ý là ngành Giáo dục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh ban hành Đề án “Xây dựng mỗi trường học phải thật sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, là nơi rèn luyện con người về tri thức, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, địa phương cho thế hệ trẻ”.

Hàng năm, công tác xây dựng và nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến được triển khai sâu rộng. Các nhân tố mới, nhân tố điển hình luôn được khen thưởng kịp thời. Các cơ sở giáo dục đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự học và sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” được ngành đẩy mạnh sâu rộng ở tất cả các bậc học.

Điển hình, ở bậc mầm non có “Phong trào phát triển vận động trong trường mầm non” đã xuất hiện những điển hình như: Trường mầm non Họa Mi ở xã Đắk D’rô (Krông Nô), Trường mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp)... Phong trào thi đua thường niên cũng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, điển hình, nhất là trong phong trào “Dạy tốt, học tốt”. Toàn ngành có 13 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 198 đơn vị từ mầm non đến phổ thông được nhận Cờ thi đua của tỉnh, 25 cá nhân được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 2 tập thể và 6 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT...

Hoàn thiện các điều kiện nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục

ADQuảng cáo

Nhờ đẩy mạnh công tác phối hợp, ngành Giáo dục đã từng bước được quan tâm và hoàn thiện các điều kiện nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục. Mạng lưới trường, lớp và quy mô giáo dục từng bước ổn định và phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đã được quan tâm đầu tư. Diện mạo trường học có nhiều thay đổi tích cực. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung, bồi dưỡng, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, kết hợp các phương tiện nghe, nhìn, thực hiện đầy đủ thí nghiệm, thực hành, liên hệ thực tế trong giảng dạy... Hiện nay, 100%  trường học các cấp có phòng vi tính hoặc máy vi tính được nối mạng. Các phòng học bộ môn, phòng thiết bị đều có thiết bị thực hành.

Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương, các cấp quản lý giáo dục đã kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện đời sống đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Công tác phổ cập giáo dục ở các cấp tiếp tục được duy trì. Tỉnh đã hoàn thành giáo dục phổ cập mầm non 5 tuổi vào năm 2016 và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS năm 2009.

Tiếp tục khắc phục các hạn chế

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được,việc thực hiện công tác phối hợp vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Chất lượng giáo dục tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu phát triển của địa phương. Các vùng điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn có tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học còn cao. Việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn. Một số xã, phường chưa có trường THCS. Số lượng học sinh tăng nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường THCS chưa bảo đảm. Chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao.

Một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới. Đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu cục bộ vừa không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn. Việc bố trí giáo viên về công tác tại các trung tâm học tập cộng đồng còn nhiều vướng mắc. Nhiều trường học công tác vệ sinh chưa bảo đảm, thiếu nước sạch. Công tác duy trì kết quả phổ cập giáo dục của một số địa phương còn gặp những khó khăn nhất định.

Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế, khó khăn để đạt các mục tiêu chung đề ra, trong đó chú trọng các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước hoàn thiện điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO