Trường THPT Trường Chinh định hướng, giúp học sinh ôn tập tốt môn Giáo dục công dân

Nguyễn Hiền| 28/02/2017 10:13

Một trong những điểm đổi mới trong Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 là việc thay đổi số lượng và cơ cấu một số môn thi. Trong đó, môn Giáo dục công dân (GDCD) lần đầu tiên được đưa vào thi với hình thức trắc nghiệm (nằm trong tổ hợp môn xã hội).

ADQuảng cáo

Cùng một số trường khác trong tỉnh Đắk Nông, Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp) đã chủ động, tập trung giúp học sinh ôn tập tốt, thay đổi cách nhìn nhận, cách học về môn GDCD.

Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân gợi mở cho học sinh liên hệ kiến thức học với thực tế

Hiện tại, toàn trường có 212 học sinh theo học ở 6 lớp 12. Ngay sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Quy chế thi THPT quốc gia, nhiều học sinh đã bất ngờ khi có môn thi GDCD. Bởi vì, trong thực tế nhiều năm nay, môn GDCD vẫn được xem là môn học “phụ”, học sinh chỉ học qua loa cho có điểm. Giáo viên cũng dạy cầm chừng và thiếu sự đào sâu vấn đề cho học sinh. Vì vậy, với việc đưa môn GDCD vào thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã làm thay đổi hoàn toàn về nhận thức cũng như cách dạy, cách học của học sinh, giáo viên nhà trường.

ADQuảng cáo

Theo thầy Nguyễn Văn Phú, giáo viên bộ môn GDCD của trường thì ban đầu, việc dạy và ôn tập gặp khá nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là khâu thiết kế hệ thống câu hỏi trắc nghiệm vì trước đây chưa hề có để tham khảo, trải nghiệm. Với hình thức trắc nghiệm nên kiến thức sẽ dàn trải từ đầu đến cuối chương trình, đòi hỏi giáo viên phải tìm cách giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản và định hướng cách áp dụng, liên hệ vào thực tế. Để làm tốt bài thi, giáo viên phải định hướng cách ôn tập, giúp học sinh không nhất thiết học thuộc hết mà phải nắm chắc kiến thức trọng tâm của từng bài học và phải biết liên hệ, vận dụng vào thực tế đời sống.

Em Nguyễn Thị Phương Thanh, học sinh lớp 12C6 cho biết: “Ban đầu nghe thi môn GDCD, chúng em cũng rất lo lắng. Nhưng qua thời gian được thầy cô hướng dẫn cách học nên bây giờ chúng em thấy đỡ lo hơn. Ngược lại, em thấy đây là môn học rất bổ ích vì liên quan đến nhiều những vấn đề trong cuộc sống, nhất là giúp chúng em nắm các luật rõ hơn, kỹ hơn để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Theo đề thi minh họa của Bộ thì hầu hết câu hỏi bám sát sách giáo khoa và sát với đời sống nên chúng em chú trọng học kỹ những kiến thức cơ bản trong sách, từ đó liên hệ, vận dụng trong thực tế để mở rộng sự hiểu biết của mình”.

Em Vũ Thị Kiều Linh, lớp 12 C6 thì nhận định: “Em thấy việc đưa môn GDCD vào thi THPT quốc gia là rất phù hợp vì giúp học sinh hiểu hơn về pháp luật, những kiến thức bên ngoài và nhất là những nguyên tắc, đạo lý cơ bản của cuộc sống. Việc ôn tập cũng không quá khó vì số lượng bài trong môn GDCD không nhiều. Ngoài ra, giáo viên cũng cung cấp nhiều dạng kiến thức liên quan, nên chúng em thấy việc chọn môn thi này là hợp lý”.

Theo Hiệu trưởng Phan Văn Tấn thì ngay khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố đưa môn GDCD vào dự thi, ban đầu giáo viên cũng lo lắng, học sinh thì có phần hoang mang. Vì vậy, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giáo dục - Đào tạo, nhà trường đã động viên và giúp các em hiểu được tầm quan trọng của bộ môn. Cùng với đó, trên cơ sở bộ câu hỏi trắc nghiệm mẫu, giáo viên thay đổi cách dạy, kiểm tra và xây dựng riêng một ngân hàng câu hỏi để các em dần làm quen. Qua đăng ký sơ bộ, đến thời điểm này, toàn trường có khoảng 1/3 học sinh đăng ký dự thi tổ hợp môn xã hội, trong đó có môn GDCD. Thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức thêm các đợt thi thử để các em quen với cơ cấu đề thi và biết phân bổ thời gian làm bài phù hợp nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường THPT Trường Chinh định hướng, giúp học sinh ôn tập tốt môn Giáo dục công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO