"Trồng người" ở Song Tử Tây

Lê Phước| 20/11/2019 09:01

Vượt qua muôn vàn khó khăn và thiếu thốn, những người thầy vẫn đang thầm lặng “gieo chữ” nơi "đầu sóng", vun đắp kiến thức cho thế hệ trẻ ở đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa.

ADQuảng cáo

Khát khao được cống hiến

Ấp ủ trong lòng tình yêu biển, đảo và khao khát đến Trường Sa (Khánh Hòa), thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (SN 1982, quê ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã nhiều lần làm đơn xin ra đảo công tác. Sau 7 lần làm đơn tình nguyện, giữa năm 2018, thầy Phú ra nhận công tác tại Trường tiểu học Song Tử Tây, thuộc đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Bố mẹ già trong đất liền đã mất, người thầy giáo gần 40 tuổi này gác lại chuyện tìm một nửa riêng của mình để ra đảo.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú dạy cho 5 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 tại Trường tiểu học Song Tử Tây

Thầy Phú chia sẻ: "Từ khi ngồi trên ghế giảng đường sư phạm, tôi đã mơ ước được đến những vùng biên giới, hải đảo xa xôi để dạy học. Khao khát ấy trong tôi luôn luôn cháy bỏng. Giờ tôi cảm thấy hạnh phúc vì hàng ngày được đứng trên bục giảng giữa biển khơi của Tổ quốc, được góp phần nhỏ của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng".

Trong lúc tâm tình, chúng tôi biết được thầy Phú cũng là một nghệ sĩ không chuyên, là thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Từ khi ra đảo công tác, nắng gió, cảnh vật của biển cả đã được thầy giáo Phú đưa vào những câu thơ. Nhiều tác phẩm của thầy Phú đã được đăng trên báo, tạp chí. Gặp chúng tôi, thầy Phú khoe cả một tập bản thảo thơ với nhiều câu viết xúc động.

Thầy tâm sự: "Ở đảo xa, mình có thời gian chiêm nghiệm về mọi thứ xung quanh, về quê hương, gia đình và bản thân; được nhìn thấy những người lính ý chí kiên cường đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng. Giờ mình thấy nhẹ lòng, chỉ muốn theo đuổi ước mơ dạy học mãi nơi đây thôi".

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc dạy các em học sinh mầm non tô màu

Cùng ra đảo Song Tử Tây nhận công tác với thầy Nguyễn Hữu Phú, thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Ngọc (SN 1993, quê ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) cũng là một giáo viên tràn đầy nhiệt huyết. Theo thầy Ngọc, thời gian đầu khi biết anh tình nguyện ra đảo dạy học, mọi người xung quanh đều khuyên can. Nhưng chừng đó là không đủ để níu chân một người thầy đang hướng trái tim về biển đảo.

“Mình còn trẻ, phải biết trải nghiệm và dùng nhiệt huyết của mình để dạy học, kể cả đó là vùng miền núi hiểm trở hay ngoài hải đảo xa xôi. Hơn 1 năm công tác tại đây, mình cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc của mình lại được bồi đắp. Bản thân cũng vinh dự, tự hào bởi đang góp sức “trồng người” ở một trong những nơi đặc biệt nhất của đất nước”, thầy Ngọc tự hào.

ADQuảng cáo

Thầy giáo... mầm non

Trường tiểu học Song Tử Tây có 10 học sinh, chia thành 2 lớp: lớp tiểu học (gồm các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5) và lớp mầm non. Thầy Phú phụ trách lớp tiểu học, dạy 5 học sinh tất cả các môn. Riêng thầy Ngọc phụ trách lớp mầm non, kiêm luôn vai trò bảo mẫu của 5 cháu.

Các em học sinh trên đảo Song Tử Tây giờ ra chơi

Theo thầy Phú, ở đảo thiếu trang thiết bị nên thầy “sáng tạo” ra các dụng cụ học tập từ các vật dụng sẵn có. Đôi lúc, các thầy dùng vỏ ốc để dạy các em học toán, chơi trò chơi. Thầy trò còn dùng cả lá bàng vuông để trang trí, làm dụng cụ trong giờ mỹ thuật. Mặc dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng các cháu đều nhận thức nhanh, đặc biệt là rất ngoan hiền, lễ phép với những người xung quanh. Sau giờ học, các cháu đã có thể phụ giúp công việc gia đình, trở thành người bạn của gia đình, thầy cô và cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Chuyên môn là tiểu học nhưng ra đảo lại dạy mầm non, không mấy ai nghĩ thầy Ngọc có thể làm tốt nhiệm vụ của mình đến thế. Giờ đây, việc dạy và tổ chức cho các cháu múa hát, tô vẽ… không còn khó đối với nam giáo viên này nữa. Những lúc rảnh rỗi, thầy Ngọc thích đưa tụi nhỏ ra bờ biển, dạy chúng tập viết trên nền cát, tập đếm bằng vỏ sò và hát những bài ca về biển đảo.

“Không có vi tính, điện thoại thông minh và cách xa công nghệ hóa ra lại hay. Các cháu rất tập trung vào học tập, vui chơi lành mạnh và chơi thân với nhau hơn. Từ bài học đơn giản tập đọc, tập đếm bên bờ cát, trong vườn cây mà một số cháu đã đọc thông, viết thạo khi mới 4 - 5 tuổi. Các cháu hỏi nhiều và cũng cười rất nhiều. Nhìn những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên là chúng tôi quên hết mệt mỏi”, thầy Ngọc chia sẻ.

Những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của các em nhỏ là động lực để những người thầy tiếp tục “gieo chữ” ở Trường Sa

Dù thời tiết ở đảo khắc nghiệt, điều kiện giảng dạy thiếu thốn nhiều so với đất liền nhưng lòng yêu nghề, mến trẻ, sự quý mến của mọi người là động lực to lớn giúp các thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thầy Phú tâm tình: "Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, là nơi mà những người Việt Nam đến đều cảm nhận được dưới chân mình từng viên đá, hạt cát đã thấm xương máu của cha anh trong cuộc chiến gìn giữ những tấc đất quê hương. Chúng tôi tự hào được “gieo chữ” ở nơi đây, được từng ngày vun đắp cho những “mầm xanh” tình yêu quê hương, đất nước".

“Yêu sao những nụ cười
Hồn nhiên giữa phong ba
Mầm xanh đầy sức sống
Kiên cường giữa đảo xa”

Trích bài thơ “Giờ học ở đảo Song Tử Tây” của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Trường tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trồng người" ở Song Tử Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO