Tiếp bước học sinh dân tộc thiểu số đến trường

Nguyễn Hiền| 16/10/2019 10:08

Học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với những chính sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Đắk nông cũng có nhiều chính sách, hình thức hỗ trợ học sinh DTTS vững bước đến trường.

ADQuảng cáo

Giáo viên Trường mầm non Hoa Pơ Lang, xã Đắk R'măng (Đắk Glong) tăng cường tổ chức các trò chơi nhằm tăng cường sự tự tin và Tiếng Việt cho trẻ em DTTS

Có những hình thức giúp học sinh phù hợp

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 50.000 học sinh DTTS, tập trung ở các huyện khó khăn như Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô... Để từng bước bắt kịp chất lượng đại trà, nhiều trường đã có những hình thức dạy và học phù hợp.

Năm học 2019-2020, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som (Đắk Glong) có trên 1.200 học sinh các khối, lớp, trong đó chủ yếu là học sinh DTTS. Thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường thì với đặc thù phần lớn học sinh là DTTS nên các hoạt động phải có những cách thức tổ chức khác hơn các trường vùng trung tâm. Ngay từ đầu năm học, đối với các lớp đầu cấp, giáo viên phải tổ chức các hoạt động như sinh hoạt văn nghệ, chơi các trò chơi, giúp học sinh nhớ tên mình...

Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cũng có những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong điều kiện có đông học sinh DTTS. Theo Hiệu trưởng Lê Xuân Hùng, hàng năm, giáo viên các lớp đều tổ chức phân loại học sinh để có phương pháp dạy phù hợp, nhất là những em DTTS. Trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nâng cao các kỹ năng sống, giúp học sinh DTTS tự tin hơn, phát huy tính tích cực hơn trong các giờ học.

Nhờ đó, học sinh chỉ qua một học kỳ đã trở nên mạnh dạn, chủ động hơn. Các lớp có những đôi bạn cùng tiến, trong đó những học sinh khá, giỏi sẽ kèm những em yếu hơn nhằm giúp bạn cùng tiến bộ...Nhiều giáo viên gần gũi học sinh, thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên những em có hoàn cảnh khó khăn....

Nhiều chính sách ý nghĩa

Cùng với sự quan quan tâm của các trường, học sinh DTTS còn được hỗ trợ từ các chính sách của Trung ương và tỉnh. Qua thực tế triển khai cho thấy, các chính sách đã tác động tích cực đến việc duy trì sĩ số học sinh cũng như nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS.

ADQuảng cáo

Bên cạnh các chế độ chung của Trung ương như hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ mầm non, cấp phát sách, vở viết, HĐND tỉnh còn ban hành nhiều chính sách đặc thù khác. Điển hình, Nghị quyết 31 ngày 6/9/2016 của HĐND tỉnh hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo từ năm học 2016-2017 đến 2020-2021. Nghị quyết số 04 ngày 26/7/2017 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày và tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh...

Một trong những chính sách thiết thực và mang lại hiệu quả lớn là Nghị quyết số 41 ngày 20/12/2012 của HĐND tỉnh về Đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS. Hưởng lợi từ Đề án, học sinh DTTS đã được tăng cường Tiếng Việt bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, đến cuối năm học 2018-2019, toàn tỉnh có trên 93,5% trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non có thể giao tiếp tốt; 40% tổng số trẻ DTTS 4 tuổi có thể giao tiếp tốt. Bậc tiểu học có trên 95% học sinh DTTS hoàn thành chương trình môn Tiếng Việt. Bậc THCS có 91,8% học sinh DTTS đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên (tỷ lệ chung toàn tỉnh là 94,1%). Bậc THPT có 89,3% học sinh DTTS đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, nhiều học sinh DTTS đã có cơ hội đến trường. Ảnh: Phụ huynh dẫn con đi học ở Trường tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som (Đắk Glong)

Quy mô trường lớp được mở rộng

Không chỉ ban hành và thực hiện các chính sách đặc thù, tỉnh cũng quan tâm nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú). Thống kê hiện nay, toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT cấp huyện và 1 trường THPT dân tộc nội trú cấp tỉnh.

Hầu hết các nhà trường đã cập nhật phương pháp dạy học mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, đến cuối năm học 2018-2019, bậc THCS có 93% học sinh đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên; bậc THPT có 98% học sinh đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên. Kết quả học tập của học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt từ trung bình trở lên ngang bằng với mặt bằng chung của tỉnh.

Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, toàn tỉnh có 2 trường ở huyện Đắk Glong gồm 1 trường tiểu học và 1 trường THCS. Tính đến cuối năm học 2018-2019, có 100% học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú bậc tiểu học hoàn thành môn Tiếng Việt và môn Toán; bậc THCS có 100% học sinh đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên.

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, trong năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo, toàn tỉnh tập trung thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương trong tỉnh. Ngành sẽ tiếp tục khảo sát nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là quan tâm hơn đến học sinh bán trú. Các chính sách đặc thù sẽ góp phần tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo, tiểu học vùng DTTS.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bước học sinh dân tộc thiểu số đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO