Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020: Chưa phát huy hiệu quả

Nguyễn Hiền| 04/04/2016 10:34

Từ năm 2012, toàn tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Ngoại ngữ quốc gia 2020”, tuy nhiên, qua gần 5 năm thực hiện các nội dung của đề án chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi.

ADQuảng cáo

Cơ hội đổi mới dạy và học tiếng Anh

Sau khi Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành Đề án “Ngoại ngữ quốc gia 2020”, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 142 về việc “Dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2012-2020”, với mục tiêu được đặt ra là tăng cường đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ một cách đồng bộ, hệ thống trong các trường phổ thông.

Theo đó, Đề án tập trung hướng tới việc nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản của người học... Đề án cũng tập trung mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ lên 10 năm (lớp 3 đến lớp 12). Toàn tỉnh cũng đã chọn triển khai xây dựng điểm tại 3 trường học gồm: Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa), Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R'lấp)...

Theo đánh giá của ngành giáo dục và các trường thì việc thực hiện đề án là cơ hội tốt để đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học tiếng Anh, nhất là việc hình thành kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Kết quả, qua 5 năm triển khai đề án cho thấy  đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ được tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn. Các trường học được đầu tư xây dựng mua sắm các trang thiết bị và tài liệu hỗ trợ dạy học… Nhờ đó, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã có những chuyển biến tích cực.

Trường THPT Phạm Văn Đồng, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) là đơn vị trường điểm nhưng vẫn chưa được xây dựng phòng chức năng ngoại ngữ.

Không có biên chế để tuyển giáo viên

Tuy nhiên, nhìn chung việc thực hiện đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn nên kết quả chưa được như mong muốn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của đề án.

ADQuảng cáo

Cụ thể, về số lượng giáo viên, theo mục tiêu đề ra trong giai đoạn từ 2012-2015, toàn tỉnh có 100% trường phổ thông tuyển đủ số lượng giáo viên tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới cho 100% trường học. Tuy nhiên, hiện tại toàn tỉnh chỉ có 65 trường triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm, gồm: bậc tiểu học có 31 trường, bậc THCS có 27 trường và bậc THPT có 7 trường.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do thiếu biên chế, nhất là ở bậc tiểu học, nên không thể tuyển giáo viên tiếng Anh để giảng dạy theo mục tiêu đề án đề ra. Điển hình như tại huyện Chư Jút có 18/20 trường tiểu học không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh. Hay huyện Đắk Mil có 16/23 trường tiểu học không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh... Từ đây, cấp THCS cũng chỉ triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm ở quy mô hẹp, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Về chất lượng, theo mục tiêu đến hết năm 2015, 100% giáo viên được rà soát đạt trình độ năng lực ngoại ngữ, tuy nhiên đến cuối năm 2015, toàn tỉnh mới chỉ có 257/485 (chiếm 53,2%) giáo viên đạt chuẩn về trình độ năng lực ngoại ngữ châu Âu theo quy định. Trong đó, giáo viên tiểu học và THCS đạt trình độ bậc 4 trở lên (B2) chỉ có 164/343 giáo viên (chiếm 48%), bậc THPT chỉ có 94/142 giáo viên đạt trình độ bậc 5 (C1) trở lên (chiếm 66%).

Bên cạnh đó, mặc dù được bồi dưỡng, tập huấn năng lực nhưng nhìn chung phương pháp giảng dạy của nhiều giáo viên chưa thật sự đổi mới theo hướng giao tiếp mà vẫn nặng nề về truyền thụ kiến thức, từ vựng, ngữ pháp. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh của giáo viên để giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh còn nhiều hạn chế. Một số giáo viên tiếng Anh lớn tuổi mặc dù được bồi dưỡng nhưng qua khảo sát vẫn chưa được cải thiện.

Cùng với những khó khăn, hạn chế về số lượng và chất lượng giáo viên thì ngành giáo dục cũng gặp khó khăn trong thực hiện đề án do thiếu cơ sở vật chất và các trang thiết bị; nhất là phòng chức năng ngoại ngữ thì đến nay hầu hết các trường đều chưa được đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh cũng chỉ mới có 73/255 trường phổ thông được trang bị thiết bị hỗ trợ giảng dạy, chiếm chỉ 29% (trong khi mục tiêu đề ra là 100%).

Bên cạnh đó, việc mời tình nguyện viên và hợp đồng giáo viên nước ngoài để giảng dạy vẫn còn mang tính hình thức, chưa thật sự tác động mạnh mẽ để thay đổi môi trường và chất lượng học tập ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp. Việc huy động các nguồn kinh phí khác của đơn vị để đầu tư cho các hoạt động chuyên môn ngoại ngữ còn hạn hẹp.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì đến nay việc thực hiện đề án vẫn chỉ ở “mức độ mới ban đầu”. Trong đó, ở bậc tiểu chỉ triển khai được ở những đơn vị có điều kiện còn nhiều trường không đủ điều kiện vẫn học chương trình cũ, ở mức học sinh làm quen với tiếng Anh. Ở bậc THCS và THPT thì hầu như triển khai chương trình cũ. Riêng 3 trường điểm mặc dù có những chuyển biến tích cực về chất lượng dạy học, tuy nhiên vẫn chưa được như mong đợi.... Chính vì vậy, để thực hiện đề án hiệu quả thì các trường học cần tiếp tục được đầu tư đầy đủ và toàn diện hơn. Về phía ngành, cũng đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên toàn tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phân hạng giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020: Chưa phát huy hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO