Thú vị tiết học lịch sử, địa lý địa phương

Hưng Nguyên| 01/04/2016 10:17

Có dịp tham dự một tiết học về lịch sự địa lý địa phương tại Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa), người nghe sẽ có được nhiều điều thú vị qua cách tiếp cận, trình bày, nhìn nhận về những vấn đề của tỉnh trong các em học sinh.

ADQuảng cáo

“Tỉnh Đắk Nông tọa lạc trên Cao nguyên M’nông, có đỉnh Tà Đùng cao hơn 1.900m so với mực nước biển, vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế...”. Buổi học về giáo dục địa phương môn lịch sử và địa lý tại lớp 12A6, Trường THPT Chu Văn An bắt đầu bằng những câu dẫn của một học sinh trong bài thuyết trình nhóm.

Trong tiết học này, lớp 12A6 được chia làm 4 nhóm tìm hiểu trước các chủ đề khác nhau về Đắk Nông, gồm: Nhóm 1 thực hiện chủ đề Đắk Nông trong kháng chiến với những trận đánh và tình hình chính trị - xã hội trong giai đoạn từ năm 1945 đến nay; nhóm 2 thực hiện chủ đề về điều kiện tự nhiên, dân cư của tỉnh Đắk Nông; nhóm 3 thực hiện chủ đề về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông và nhóm 4 thực hiện chủ đề về du lịch Đắk Nông. Từng nhóm tự sưu tầm tài liệu và thay phiên nhau thuyết trình trong tiết học.

Học sinh lớp 12A6 Trường THPT Chu Văn An thuyết trình về chủ đề được giao

Với hình thức như thế, tiết học trở nên sôi nổi, cung cấp nhiều kiến thức và gợi mở cho học sinh nhiều suy nghĩ về lịch sử, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua bài thuyết trình của nhóm 1 đã giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử, truyền thống đấu tranh chống giặc, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của bà con dân tộc thiểu số trên cao nguyên M’nông nói riêng, quân dân tỉnh Đắk Nông nói chung.

Khi kết thúc bài thuyết trình cô đặt câu hỏi cho cả lớp: “Với những gì đã được cung cấp, các em rút ra được điều gì ?''. Đã có rất nhiều cánh tay giơ lên.

ADQuảng cáo

Em Tạ Thị Huyên chia sẻ: “Học các môn giáo dục địa phương đã giúp em hiểu thêm về nơi mình sinh ra và lớn lên, em thấy yêu vùng đất mình sinh ra và mong muốn sau này, học xong em có thể về để phục vụ địa phương”.

Còn với các chủ đề về điều kiện tự nhiên, dân cư của tỉnh; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; du lịch tỉnh Đắk Nông... bằng những số liệu và hình ảnh cụ thể, các em học sinh đã mang vào lớp học bức tranh Đắk Nông - một vùng đất giàu tiềm năng phát triển. Ngoài ra, cô giáo còn cung cấp dự báo về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thông qua đó, học sinh không chỉ hiểu về những tiềm năng, lợi thế của vùng đất nơi mình đang sống mà còn gợi mở cho các em định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Em Đỗ Ngọc Ánh phấn khởi nói “Qua buổi học em đã thấy được một bức tranh toàn cảnh về Đắk Nông, dưới sự định hướng của cô giáo bộ môn, em có thể dựa vào đó để làm cơ sở chọn ngành, nghề cho mình trong tương lai”.

Còn theo học sinh Huỳnh Thị Phương Uyên thì trong quá trình tìm hiểu về nội dung được giao, em thấy rất nhiều điều thú vị về vùng đất Đắk Nông. Điều quan trọng là chúng em nhìn nhận ra những tiềm năng nghề nghiệp, có thể lập nghiệp ngay trên quê hương mình”.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên bộ môn tâm sự: ''Trong mỗi tiết học, tôi kết hợp giữa địa lý và lịch sử vì thấy nó có mối liên hệ, hỗ trợ nhau giúp các em học sinh có được kiến thức một cách hệ thống. Bên cạnh đó, tôi còn tìm hiểu các nguồn tư liệu về định hướng triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu nguồn nhân lực đối với từng ngành, lĩnh vực để có thể hướng nghiệp cho các em trong việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp. Sau khi học xong có thể trở về địa phương làm việc, chung sức xây dựng Đắk Nông ngày một giàu đẹp”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Giáo dục địa phương gồm có 4 môn: ngữ văn, địa lý, lịch sử và giáo dục công dân do Sở biên soạn, đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2015-2016 cho học sinh bậc THCS, THPT. Những kiến thức trong giáo trình được ngành soạn thảo theo đặc điểm của từng môn học và tùy từng lớp, từng cấp học. Nội dung chủ yếu là tập trung giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa truyền thống, điều kiện tự nhiên, xã hội, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thông qua môn học, giúp học sinh hiểu được văn hóa, lịch sử, tiềm năng tự nhiên, xã hội của tỉnh. Cũng như các môn học khác, nội dung giáo dục địa phương sau khi kết thúc đều tiến hành kiểm tra, thi đánh giá chất lượng đối với từng học sinh”.    

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú vị tiết học lịch sử, địa lý địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO