Quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất cho vùng khó khăn

Nguyễn Hiền| 25/04/2015 09:42

Với việc được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều trường học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục.

ADQuảng cáo

Trường tiểu học Lê Văn Tám ở xã Nâm Nung (Krông Nô) từ đầu năm học 2014-2015, bằng nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp đã được đầu tư xây dựng thêm 6 phòng học cao tầng, nên giáo viên, học sinh và phụ huynh rất phấn khởi.

Trường THCS Nâm Nung, xã Nâm Nung (Krông Nô) được xây dựng khang trang

Theo ông Lê Văn Hoài, Hiệu trưởng nhà trường, những năm trước đây, số lượng học sinh cũng gần tương đương như bây giờ (gần 900 em), nhưng số lượng phòng học lại rất hạn chế. Vì vậy, mặc dù ngành Giáo dục có chủ trương dạy học cả ngày, nhưng do thiếu phòng nên nhà trường chỉ tổ chức cho học sinh học được 1 buổi/ngày. Còn hiện tại, sau khi có thêm phòng học mới, nhà trường đã tổ chức cho học sinh được học 2 buổi/ ngày ở tất cả các khối lớp ở điểm trường chính.

Không những vậy, nhà trường có thêm điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, phụ đạo học sinh yếu, kém, thành lập các câu lạc bộ giúp nhau học tập… Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường trong học kỳ I vừa qua đạt cao hơn hẳn so với năm học trước.

Tương tự, Trường mầm non Chư K’nia ở xã Chư K’nia (Chư Jút), năm học này cũng đã được xây dựng thêm 4 phòng học, góp phần giảm được áp lực thiếu phòng như những năm trước đây.

Cô Phạm Thị Kim Thủy, giáo viên nhà trường tâm sự: “Trẻ được học ở phòng mới, khang trang nên rất thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động, nhất là việc giữ gìn vệ sinh, trang trí lớp học cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. Phòng học rộng nên giáo viên cũng tổ chức được rất nhiều hoạt động vui chơi để phát huy tính tích cực, chủ động cho trẻ”.

Có thêm phòng học mới, Trường mầm non Chư K’nia nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

ADQuảng cáo

Còn tại Trường tiểu học Chu Văn An cũng ở xã Chư K’nia thì từ khi được đầu tư xây dựng khu nhà công vụ đã tạo điều kiện cho những giáo viên ở xa, giáo viên còn khó khăn về nhà ở yên tâm công tác, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Có thể nói, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất. Nhiều trường học từ chỗ chỉ có phòng học tạm và mượn thì qua từng năm đã dần được thay thế bằng các phòng học kiên cố. Có thể kể như Trường tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som (Đắk Glong), Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), Trường THCS Nâm Nung (Krông Nô)…

Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các địa phương cũng tích cực trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục để xây dựng các công trình nhỏ, khuôn viên nhà trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong vui chơi và học tập. Đặc biệt, nhiều trường học đã xây dựng được khu nhà bán trú hay khu nhà ăn tập thể để học sinh được ăn trưa và ở bán trú tại trường.

Từ đó, không chỉ giúp các em nâng cao hiệu quả học tập mà còn hạn chế được tối đa tình trạng bỏ học giữa chừng. Điển hình như Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đã vận động các tổ chức, cá nhân để xây dựng bếp ăn bán trú, bê tông hóa sân trường, đường đi vào trường.

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng khu nhà bán trú, hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cả học sinh và giáo viên. Trường mầm non Nguyễn Thị Minh Khai ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng được một điểm trường với đầy đủ phòng học và phòng chức năng.

Theo Sở Giáo dục-Đào tạo, cùng với nguồn vốn Trung ương cấp, hàng năm, ngành cũng tham mưu các địa phương tính toán phân bổ nguồn vốn xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, ưu tiên cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh, góp phần tích cực trong việc hoàn thiện mạng lưới trường lớp.

Tuy nhiên, vì số lượng học sinh hàng năm ngày càng tăng nên ở nhiều vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng thiếu phòng học. Vì vậy, ngành giáo dục cũng rất mong các cấp, ngành, địa phương tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa để giúp con em ở các vùng quê còn khó khăn có điều kiện học tập tốt nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất cho vùng khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO