Quan điểm về giáo dục và đào tạo đã thay đổi và có bước phát triển hơn

Nguyễn Hiền (lược ghi)| 23/10/2014 10:34

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Đắk Nông mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có buổi giao lưu với học sinh và giáo viên tỉnh nhà. Tại buổi giao lưu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã giải đáp những thắc mắc của nhiều học sinh, giáo viên xung quanh việc đổi mới giáo dục, nhất là những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

ADQuảng cáo

Việc đổi mới thi cử sẽ không gây khó khăn cho việc dạy và học

Em Dương Thu Phương, học sinh Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) đặt câu hỏi: Bộ Giáo dục-Đào tạo đã quyết định phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia năm 2015 với nhiều điểm mới, trong khi chương trình giáo dục phổ thông vẫn như cũ, việc kiểm tra, đánh giá chưa thay đổi. Vậy học sinh sẽ gặp khó khăn gì trong kỳ thi tới?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong xu thế phát triển và hội nhập, việc đổi mới giáo dục là điều cần thiết để trang bị tất cả các kỹ năng cho học sinh. Trước khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp 2014 vừa qua cũng có nhiều người bàn tán, lo lắng, nhưng thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2014, cả học sinh dự thi, thầy, cô giáo và cả xã hội đều thấy yên tâm vì không có vấn đề gì xảy ra. Học sinh không phải học thêm gì, thậm chí là không phải học thuộc lòng nhiều như trước đây.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời những thắc mắc của học sinh và giáo viên

Thực tế cho thấy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như vậy giúp cho việc dạy và học nhẹ nhàng hơn, đỡ căng thẳng, áp lực hơn và trung thực hơn. Tình trạng gian lận trong thi cử, vi phạm quy chế giảm hẳn. Việc đánh giá điểm số trong kỳ thi cũng phản ánh đúng chất lượng hơn. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi là có thay đổi lớn, nhưng không phải đối với các nội dung của chương trình sách giáo khoa mà là thay đổi ở cách đánh giá và cách dạy, cách học. Quan trọng nhất là việc thay đổi cũng sẽ không gây khó khăn cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy, quá trình học.

Đảm bảo tiết kiệm cho gia đình và xã hội

Em Hứa Thị Tuyết Mai, học sinh Trường Phổ thông DTNT N’Trang Lơng (Gia Nghĩa) băn khoăn: Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn gộp chung 2 kỳ thi vào một để giảm chi phí tổ chức kỳ thi và mức độ ra đề thi khó hơn so với thi tốt nghiệp THPT. Nhưng theo trang tuyển sinh 247.com thì em thấy đa số các trường đại học đều tổ chức kỳ thi riêng. Phải chăng sau khi thi ở cụm, học sinh lại phải thi riêng vào các trường này. Liệu phương án thi mới có đảm bảo tiết kiệm cho gia đình và Nhà nước không?”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Một đề thi để giải quyết hai việc thì sẽ có những câu hỏi khó và những câu không khó. Đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học những năm trở về trước cũng có 4 mức độ: nhận biết, hiểu biết, vận dụng và vận dụng cao. Các mức độ này ở kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh là khác nhau, nhưng lại được gộp làm một là không phù hợp.

Trong thiết kế đề thi mới sẽ có những câu dễ, có những câu trung bình, có những câu khó và có những câu rất khó. Vì vậy, học sinh muốn đậu vào trường đại học nào thì phải làm được cả những câu bình thường mà các bạn khác làm được và cả những câu mà nhiều bạn khác không làm được. Đây là cách bố trí đề thi để học sinh bộc lộ hết được năng lực của mình.

ADQuảng cáo

Riêng đối với việc xét tốt nghiệp THPT thì sẽ không bị ảnh hưởng gì. Đề thi thiết kế theo định hướng để đạt tốt nghiệp là những câu nằm ở phần nhận biết, hiểu biết và vận dụng ở mức độ nhất định. Trong phương án giải các bài đã có tính toán về mặt kỹ thuật để việc đậu tốt nghiệp giống những năm trước, không căng thẳng hơn, học sinh không phải học thêm nhiều hơn so với trước. Còn đối với nhưng học sinh nào có mục tiêu thi đại học thì đòi hỏi phải làm được những câu mang tính vận dụng cao và làm được những câu khó.

Về vấn đề tiết kiệm chi phí, Bộ trưởng dẫn giải, từ năm 2014 trở về trước, thi tốt nghiệp gồm 4 môn, bây giờ cũng phải thi 4 môn để được công nhận tốt nghiệp THPT. Nhưng trước đây, nếu em nào muốn thi đại học nữa thì sau khi thi 4 môn tốt nghiệp lại phải thi thêm một khối nào đó, như vậy là phải thi thêm 3 môn và tổng cộng là thi 7 môn mới có thể vào đại học.

Nhưng lần này, học sinh thi 4 môn ở khối tốt nghiệp cũng đã có thể đủ kết quả để các trường xét tuyển vào đại học. Trong phương án thi mới, một học sinh có thể thi tối đa 8 môn (nhưng chỉ là rất ít) thì cũng chỉ tương ứng với việc thi số môn ở các kỳ thi cũ, nhưng số lần đi thi cũng sẽ ít hơn. Như vậy, có thể thấy là phương thức thi mới có thể tiết kiệm cho gia đình, xã hội, Nhà nước.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, dù thay đổi, nhưng riêng các chế độ dự bị đại học, cử tuyển vẫn tiếp tục được giữ nguyên nên học sinh các trường dân tộc nội trú có thể yên tâm. Đảng và Nhà nước cũng đang bàn bạc, tính toán nhằm có những chính sách thiết thực hơn để giúp học sinh dân tộc thiểu số.

Sẽ dần khắc phục được tình trạng học lệch

Cô giáo Đỗ Thị Là, Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) bày tỏ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương giáo dục, đào tạo học sinh phát triển toàn diện, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sự đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 sẽ khiến học sinh học lệch rất nhiều. Phải chăng đây là mâu thuẫn cần sớm giải quyết, nhưng giải quyết như thế nào, thưa Bộ trưởng?.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, việc học lệch là vấn đề rất nghiêm trọng.

Bộ trưởng cũng khẳng định, quan điểm về giáo dục trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng (Nghị quyết 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã thay đổi và có bước phát triển hơn so với trước. Nếu trước đây, quan điểm giáo dục toàn diện là nói đến cả mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Thế nhưng, Nghị quyết 29 nêu  rõ, việc giáo dục toàn diện chỉ thực hiện đến hết cấp học THCS; còn giáo dục THPT là giúp trang bị kiến thức để định hướng nghề nghiệp, đưa con người vào thị trường lao động. Vì vậy, chương trình sách giáo khoa biên soạn mới sắp tới cũng sẽ tổ chức lại các môn học ở phổ thông theo nguyên tắc tích hợp cao ở những lớp dưới, phân hóa mạnh kết hợp với tự chọn ở bậc THPT.

Có nghĩa là học sinh ở THPT sẽ không học một chương trình đồng đều tất cả như bây giờ mà sẽ có các ban cụ thể. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia chung nếu đối chiếu sẽ vừa đúng với tinh thần của Nghị quyết 29, vừa giúp khắc phục được tình trạng học lệch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan điểm về giáo dục và đào tạo đã thay đổi và có bước phát triển hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO