Phát huy trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong đánh giá học sinh tiểu học

Nguyễn Hiền thực hiện| 30/10/2014 09:35

Từ ngày 15/10, Bộ Giáo dục-Đào tạo bắt đầu triển khai áp dụng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về việc đánh giá học sinh trong hệ thống các trường tiểu học. Phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

P.V: Xin bà cho biết mục đích và những điểm chính của Thông tư  30 về đánh giá học sinh tiểu học là gì?

Bà Đỗ Thị Việt Hà: Việc áp dụng Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học là một trong những hình thức nhằm đổi mới phương pháp dạy và học ở bậc tiểu học. Hiện nay, trong các nhà trường đang từng bước thực hiện phương thức dạy học là lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo việc học tập của học sinh.

Hoạt động dạy học được xác định là đến từng cá thể, tương tác đa chiều, để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Với định hướng đổi mới như vậy, việc đánh giá học sinh cũng phải thay đổi cho phù hợp là điều cần thiết. Vì vậy, việc áp dụng Thông tư 30 sẽ có những thay đổi lớn về nội dung và phương pháp đánh giá học sinh.

Từ trước đến nay, giáo viên, phụ huynh và học sinh quen với cách đánh giá học sinh bằng việc cho điểm thì nay giáo viên không còn chấm điểm và xếp hạng như trước nữa. Thay vào đó, học sinh sẽ được đánh giá trên các mặt về năng lực và phẩm chất như: tự phục vụ và tự quản; giao tiếp và hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; chăm học và chăm làm; tích cực tham gia các hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết…

Với cách đánh giá mới sẽ giúp học sinh giảm được áp lực trong quá trình học tập vì nó hướng tới mục tiêu vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải mang tính chất so sánh học sinh này với học sinh khác như trước đây.

Việc đánh giá của giáo viên sẽ coi trọng việc động viên, khích lệ và phát hiện ra những khó khăn chưa thể vượt qua để hướng dẫn, giúp các em phát huy khả năng, phát triển toàn diện. Không những vậy, việc áp dụng cách đánh giá mới còn thu hút được sự tham gia đánh giá của phụ huynh học sinh nhiều hơn trong quá trình học tập, kết quả rèn luyện, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình.

P.V: Hiện nay, ở một số địa phương, giáo viên có “sáng kiến” làm con dấu sẵn để đánh giá học sinh, bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?

ADQuảng cáo

Bà Đỗ Thị Việt Hà: Trong thực tế, hiện cũng có một số địa phương đơn giản hóa việc đánh giá học sinh, nên chấp nhận “sáng kiến” của giáo viên là làm sẵn các con dấu để đóng dấu nhận xét. Tuy nhiên, quan điểm riêng của địa phương là không cho phép làm con dấu sẵn để đóng dấu đánh giá, nhận xét học sinh vì nó mang tính chất “vô cảm”.

Mục đích cuối cùng của việc thay đổi cách đánh giá là vì sự tiến bộ của học sinh. Có nghĩa là, việc đánh giá đó phải giúp phụ huynh, học sinh thấy được một cách cụ thể về các mặt năng lực, phẩm chất hiện tại cũng như những điểm yếu, thế mạnh, sự tiến bộ, mức độ hoàn thành các hoạt động giáo dục của các em.

Cùng với đó, mỗi học sinh là một cá thể, có một mức độ nhận thức, hiểu biết, mức độ tiến bộ, hoàn thành các hoạt động giáo dục là khác nhau nên không thể có những con dấu giống nhau để đánh giá nhiều học sinh. Việc đánh giá, nhận xét học sinh đòi hỏi giáo viên phải phát huy được sự lao động  sáng tạo của mình để phù hợp với năng lực thực tế của học sinh.

Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) dạy học theo mô hình VNEN. Ảnh: Nguyễn Hiền

P.V: Tại tỉnh ta, ngành Giáo dục đang và sẽ thực hiện những giải pháp như thế nào để thực hiện các nội dung của Thông tư 30  một cách hiệu quả?

Bà Đỗ Thị Việt Hà: Để thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả các nội dung, phương pháp đánh giá theo tinh thần của Thông tư 30 đòi hỏi trách nhiệm của người quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên. Việc thay đổi cách đánh giá phải đồng thời với sự thay đổi phương pháp làm việc của giáo viên trong lớp học theo hướng tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Chính vì vậy, ngành giáo dục cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung của Thông tư 30 cũng như tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên ở các trường tiểu học nhằm hướng dẫn thực hiện việc đánh giá một cách phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, việc thực hiện Thông tư 30 cũng sẽ gắn liền với việc đánh giá hiệu quả hoạt động chuyên môn trong từng học kỳ, từng năm để mỗi giáo viên phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình.

Các trường và cụm trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn nhằm chia sẻ, đúc rút kinh nghiệm, phương pháp đánh giá mới. Việc tổ chức các hội nghị, nói chuyện chuyên đề về thực hiện Thông tư 30 sẽ được tổ chức thường xuyên ở các cụm huyện, thị xã nhằm định hướng đúng cho các trường học trong quá trình áp dụng thực tế.

Cán bộ quản lý giáo dục các cấp cũng sẽ tăng cường công tác giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh cũng như tư vấn cho giáo viên, các nhà trường trong quá trình áp dụng cách đánh giá mới. Các nhà trường cần tăng cường tuyên tuyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Thông tư 30 để phụ huynh học sinh hiểu rõ, cùng hưởng ứng, tham gia tích cực vào việc đánh giá, giúp con em tiến bộ, phát triển toàn diện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong đánh giá học sinh tiểu học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO