Nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 30: Phát huy hiệu quả tích cực, vì sự tiến bộ của học sinh

Nguyễn Hiền| 07/06/2016 10:22

Qua 2 năm thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BDGĐT ngày 28/8/2014 (Thông tư 30) của Bộ Giáo dục-Đào tạo về đánh giá học sinh, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có những cách áp dụng phù hợp, phát huy được hiệu quả trong việc khích lệ, động viên học sinh trong học tập và rèn luyện.

ADQuảng cáo

Năm học 2015-2016, Trường tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som (Đắk Glong) có 1.229 học sinh. Mặc dù có 96% học sinh dân tộc thiểu số, nhưng với những cách làm phù hợp đã phát huy được hiệu quả của việc đánh giá theo Thông tư 30.

Theo đó, nhà trường đã tăng cường phổ biến cách nhận xét, đánh giá học sinh đến từng cha mẹ học sinh cũng như giải tỏa những thắc mắc cho phụ huynh trong các buổi họp. Ban giám hiệu nhà trường phân công các thành viên hoặc giáo viên cốt cán tham dự các buổi họp thôn, cụm nhằm phổ biến đến các bậc phụ huynh và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá học sinh theo cách mới.

Cùng với đó, nhà trường chú trọng gắn việc nhận xét, đánh giá học sinh vào các buổi sinh hoạt chuyên môn. Với cách làm này, giáo viên đã cởi mở, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như những cách làm hay trong việc áp dụng cách đánh giá mới.

Qua các buổi sinh hoạt, Trường tiểu học Vừ A Dính dần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của giáo viên về cách thức nhận xét, đánh giá học sinh. Từ đó, giáo viên tự tin và vận dụng linh hoạt hơn trong việc nhận xét, đánh giá học sinh cũng như dần phát huy được tính tự giác, tự tin, tự chủ và thi đua trong học tập của từng em.

Điều đáng nói là nhà trường đã thực hiện đơn giản hóa cách nhận xét, đánh giá, giúp hầu hết học sinh trở nên tích cực, chủ động hơn trong các giờ học. Năm học 2015-2016, toàn trường có trên 95% học sinh hoàn thành lớp học, 100% học sinh đạt về phẩm chất và năng lực, trên 80% học sinh được khen thưởng.

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) cũng có những cách làm phù hợp để phát huy hiệu quả việc thực hiện đánh giá học sinh. Theo đó, nhà trường tăng cường tập huấn, rút kinh nghiệm và sinh hoạt chuyên môn cho toàn thể cán bộ, giáo viên. Giáo viên các lớp tích cực đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với nội dung đánh giá.

ADQuảng cáo

Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Quảng Tín chú trọng phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học

Cô giáo Trịnh Thị Hồng cho biết: “Hầu hết giáo viên đều quan tâm, chú ý đến những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể vượt qua để hướng dẫn, giúp đỡ. Giáo viên cũng đưa ra nhận định đúng về những ưu điểm nổi bật, những hạn chế của học sinh để có giải pháp kịp thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của từng em. Cùng với đó, học sinh cũng được rèn luyện kỹ năng tự đánh giá và tham gia đánh giá, tự học và tự điều chỉnh cách học của mình”.

Với việc thực hiện cách nhận xét, đánh giá mới phù hợp nên phụ huynh cũng dần hiểu và hợp tác, không còn thắc mắc việc không chấm điểm như trước đây.

Cũng theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm thì qua 2 năm triển khai, việc nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đã dần đi vào quy củ. Nhiều giáo viên hình thành được các kỹ năng trong nhận xét, đánh giá nên chất lượng học tập và rèn  luyện của học sinh các khối lớp dần được nâng lên rõ rệt. Qua các năm học, nhà trường gần như có 100% học sinh được khen thưởng ở các mặt. Những em được khen thưởng đều rất phấn khởi và luôn thể hiện sự cố gắng trong học tập và rèn luyện.

Theo bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì qua 2 năm triển khai việc đánh giá, nhận xét theo Thông tư 30 đã bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực. Hầu hết giáo viên đã trải nghiệm và đánh giá theo đúng tinh thần của Thông tư 30 là “Vì sự tiến bộ của học sinh”. Nội dung đánh giá chất lượng thường xuyên thể hiện được rõ các mặt ưu điểm và hạn chế đối với từng đối tượng học sinh. Ngoài đánh giá được chuẩn kiến thức kỹ năng thì giáo viên còn đánh giá được phẩm chất năng lực của học sinh nên không gây áp lực mà còn giúp các em phát huy năng lực, sở trường của mình.

Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng việc nhận xét, đánh giá theo Thông tư 30. Cụ thể như tăng cường tập huấn, duy trì sinh hoạt chuyên môn mới cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên ở các vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các nhà trường tích cực đổi mới dạy và học để phù hợp với cách đánh giá mới nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về mọi mặt. Các cấp quản lý tăng cường giám sát việc thực hiện Thông tư 30 bằng cách kiểm tra trực tiếp học sinh để xác nhận lại những đánh giá của giáo viên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 30: Phát huy hiệu quả tích cực, vì sự tiến bộ của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO