Lựa chọn đúng ngành, nghề, quyết định tương lai (kỳ cuối): Đại học không phải là con đường duy nhất

Nguyễn Hiền| 02/04/2018 10:40

Trong khi nhiều sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, có những bạn trẻ lựa chọn việc học nghề lại có công ăn việc làm ổn định. Phần nào hiểu được nhu cầu của xã hội, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã quyết định chọn con đường học nghề mình yêu thích.

ADQuảng cáo

Hình thành xu hướng học nghề

Trong khi hầu hết bạn bè tìm hiểu, lựa chọn ngành để thi vào đại học, cao đẳng, em Đào Hữu Ngọc Tân, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) lại chọn con đường học nghề làm tóc. Theo Tân, một phần vì đam mê, một phần cũng vì điều kiện gia đình nên em đã chọn con đường học nghề ngay từ đầu. Xác định rõ được mục đích của mình nên gần nửa năm qua, ngoài thời gian học ở trường, thời gian rảnh, Tân xin theo học nghề tại tiệm làm tóc ở đường Chu Văn An (Gia Nghĩa).

Tân cho biết: “Dù xác định học nghề nhưng em vẫn quyết tâm tốt nghiệp THPT. Qua thời gian học, em càng hiểu và yêu thích nghề mình chọn hơn, nhất là phần nào giúp gia đình giảm bớt khó khăn so với việc thi đại học. Học nghề xong, nếu muốn em sẽ được nhận vào làm luôn, nên không quá lo lắng về việc làm”.

Bạn Đào Hữu Ngọc Tân (áo đen) chọn con đường học nghề làm tóc cho phù hợp với đam mê và điều kiện gia đình

Trước thực tế “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều học sinh cũng đã có sự quan tâm đến việc học nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Điển hình, lớp 12 A4, Trường THPT Chu Văn An có đến khoảng 60-70% học sinh xác định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ học nghề.

Em Đặng Thị Ngọc Bích tâm sự: “Em rất thích nghề nấu ăn và dự định sẽ học nghề này sau khi tốt nghiệp. Qua tìm hiểu, em biết các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển mạnh. Em học nghề nấu ăn về sau sẽ rất dễ xin việc làm trong các nhà hàng, khách sạn, hoặc có thể tự mở quán ăn phù hợp với điều kiện kinh tế của mình”. Bạn Lê Đức Bình lại chọn học nghề pha chế vì yêu thích và cũng rất phù hợp với điều kiện của bản thân.

Bình cho biết: “Em cũng suy nghĩ rất nhiều giữa thi đại học và đi học nghề. Nhưng rồi em nghĩ, học gì đi nữa thì mục đích cuối cùng cũng là để có việc làm và nếu phù hợp với đam mê, với điều kiện thì càng vui hơn. Em chọn học nghề pha chế một phần vì thời gian học nhanh. Hai nữa, nhà em có sẵn quán cà phê, sau khi học em có thể hành nghề tại gia, không lo về việc làm”.

Chọn đúng con đường, phù hợp với khả năng

ADQuảng cáo

Từ hiểu được chính mình, hiểu được nghề và nhu cầu xã hội, nhiều học sinh làm bài toán về hiệu quả của việc học nghề so với thi vào các trường đại học, cao đẳng.

Em Huỳnh Thị Hồng Phúc, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) nói: “Sau khi tốt nghiệp, nếu khả năng học tập, điểm số không cao, điều kiện kinh tế gia đình không có thì không nên vào đại học, cao đẳng. Không những vậy, 4 năm đại học số tiền gia đình bỏ ra không phải là nhỏ. Vì vậy, em nghĩ việc học nghề vừa tiết kiệm thời gian vừa có khả năng có việc làm cao hơn. Hiện nay, nhiều người đang đau đầu vì học ra trường nhưng không có việc làm".

Em Hoàng Thị Ngọc Tú, Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: “Học nghề thì chi phí ít hơn mà lại thông dụng trong cuộc sống, có thể hành nghề được ở nhiều môi trường hơn”.

Em Lê Thị Bích Ngân, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh nhận định: “Em nghĩ điểm số trong học tập và cuộc sống thực rất khác nhau. Có một số bạn trong học tập dù điểm số không cao lắm, nhưng kiến thức về nhiều vấn đề xã hội thì khá cao, nên học nghề là lựa chọn đúng đắn”.

Em Nguyễn Lê Giang Băng, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh lại khẳng định: “Em rất đồng tình với quan điểm đại học không phải là con đường duy nhất. Có rất nhiều người trên thế giới nổi tiếng như Bill Gates, Rachael Ray… họ không hề học đại học, thậm chí là trượt đại học 3-4 lần, nhưng sau này vẫn rất thành công. Cho dù học nghề hay học đại học chăng nữa, điều quan trọng nhất là mình phải chọn đúng con đường phù hợp với tương lai, khả năng của mình”.

Qua khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và nhu cầu thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh thì thị trường chỉ cần 12% lao động có trình độ đại học, 13% lao động có trình độ cao đẳng, trong khi nhu cầu lao động có trình độ trung cấp chiếm 35% và lao động sơ cấp chiếm tới 40%. Như vậy, thực chất, thị trường lao động "cần thợ nhiều hơn thầy". Vì vậy, nếu các bạn trẻ xác định đúng mục đích cuối cùng của việc lựa chọn ngành, nghề thì cơ hội vẫn còn nhiều và chắc chắn, đại học không phải là con đường duy nhất.

Thị trường "cần thợ nhiều hơn thầy"

Ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Kinh tế-Tài chính (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Hiện nay có rất nhiều bậc học khác nhau, các bạn có thể chọn ở bậc đại học, bậc cao đẳng, trung cấp nghề và kể cả học sơ cấp. Trong hệ thống ngành, nghề hiện nay, nói chung cơ hội công việc rải đều cho tất cả các bậc học. Hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động thường không phải đánh giá giá trị của cái bằng mà là giá trị của con người để hành nghề đó. Vì vậy, những bạn học các ngành, nghề tốt, không kể bậc học, khi ra trường doanh nghiệp vẫn có thể mời về làm. Thực tế, không phải ai cũng có thể làm thầy, phải có thợ thì mới có thầy, nên quan trọng nhất là chọn được một nghề phù hợp để sau này tăng  giá trị hành nghề của mình lên”.

Còn ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận định: Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 500 cơ sở giáo dục đại học và 400 cơ sở trung cấp, nhưng cũng có hàng ngàn cơ sở dạy nghề. Tôi thấy, có rất nhiều công việc mà các em chỉ cần học một thời gian ngắn thôi nhưng có thể bước chân ngay vào thị trường lao động và đây cũng là xu hướng từ nhiều năm nay. Tôi lấy ví dụ, nghề sửa xe máy, nghề nấu ăn, nghề trang điểm, làm đẹp..., các em chỉ học trong thời gian ngắn nhưng khi ra trường là sẽ có công việc ngay. Thật ra, việc học nghề là một xu hướng phù hợp, nhưng quá trình tư vấn, định hướng thông tin đến học sinh chưa đầy đủ và kịp thời. Từ đó, các em đi theo trào lưu là phải làm sao đậu được đại học mà quên mất rằng có những người chỉ cần học sơ cấp nghề cũng thành công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn đúng ngành, nghề, quyết định tương lai (kỳ cuối): Đại học không phải là con đường duy nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO