Lựa chọn đúng ngành, nghề, quyết định tương lai (kỳ 2): Tìm hướng đi đúng trong chọn ngành, nghề

Nguyễn Hiền| 29/03/2018 15:17

Chọn ngành, nghề phù hợp luôn là nỗi trăn trở của nhiều học sinh, phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh. Tại Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) mới đây, với sự tư vấn của các chuyên gia đã giúp học sinh có thêm những hiểu biết về điều kiện, yếu tố cần thiết để lựa chọn ngành, nghề phù hợp nhất.

ADQuảng cáo

Từ “định vị” được bản thân

Xã hội càng phát triển, học sinh càng có nhiều cơ hội lựa chọn ngành, nghề theo học. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng xác định rõ được ngành, nghề phù hợp với mình. Vì vậy, nhiều em chọn thi theo sự sắp đặt của bố mẹ, người thân. Một số đăng ký những ngành, nghề theo tâm lý đám đông nhưng lại hiểu rất mơ hồ về sự lựa chọn.

Công tác hướng nghiệp tại các nhà trường chủ yếu giao giáo viên chủ nhiệm

Em Nguyễn Thị Hoài Nhi, học sinh lớp 12 A6, Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) cho rằng: “Em vẫn chưa có quyết định cuối cùng về thi ngành nào, nhưng nhất định là em phải vào đại học vì mất 12 năm ăn học rồi, không thi thì rất...uổng phí”. Tại các trường, một bộ phận không nhỏ học sinh chưa thật sự tự tin vào năng lực bản thân, nhưng vẫn quyết định thi đại học cho bằng bạn, bằng bè.

Em Trần Đình Quang, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chu Văn An cũng nói: “Em chọn ngành quản trị kinh doanh, tương đối khó so với năng lực của em. Phần khác, thực tế các anh chị khóa trước học ra cũng thất nghiệp rất nhiều nên cũng lo lắng, nhưng em vẫn muốn thử thi đại học cho biết”.

Vì vậy, tại Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, một trong những nội dung được học sinh quan tâm đề cập là làm thế nào để chọn ngành, nghề cho phù hợp. Trả lời vấn đề này, ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với học sinh về những yếu tố quan trọng bảo đảm chọn ngành, nghề phù hợp. Theo ông Nguyên, việc hiểu về bản thân, năng lực, khả năng của mình đóng vai trò quan trọng. Học sinh có thể thông qua một số kênh để khám phá bản thân mình như kênh trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm tổng hợp - trắc nghiệm IQ… Điều thứ hai để nhận diện bản thân mình còn có các kênh tham chiếu khác từ phía bố mẹ, anh chị, người thân, những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy hoặc các chuyên gia tư vấn. Nếu được, học sinh nên tham vấn từ những người đang trực tiếp làm trong các lĩnh vực ngành, nghề mà mình dự định thi tuyển.

Ông Nguyên cho rằng, bất cứ một ngành, nghề nào cũng vậy, bên cạnh “hào quang” cũng có những “mặt trái và khoảng lặng”. Việc hiểu rõ về mình để xác định ngành, nghề phù hợp là điều kiện quan trọng để học tập tốt hơn. Định vị được mình là một giá trị thật để các bạn hành nghề tốt nhất.

ADQuảng cáo

Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp rất bổ ích đối với học sinh khi lựa chọn ngành, nghề, hướng đi trong tương lai

Đến hiểu về nghề

Trong quá trình tư vấn, ông Nguyên cũng cho rằng, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ về ngành, nghề, vì bất kỳ ngành, nghề nào cũng đòi hỏi những tố chất cốt lõi phù hợp với nó. Nếu như hiểu về mình, hiểu về nghề xong rồi thì các bạn xác định niềm đam mê, nhu cầu của thị trường lao động.

Theo ông Nguyên, nhiều bạn quan tâm đến ngành, nghề, niềm đam mê và yêu thích nhưng khi hỏi ngành, nghề ấy làm gì ở tại địa phương thì ít ai hình dung ra được. Các bạn phải hiểu giá trị của cái nghề ấy là những ngành nào, có thể làm được những ngành ấy thì các bạn mới xác định được năng lực và khả năng của mình để định hướng. Tại Đắk Nông, với thế mạnh về phát triển rất nhiều lĩnh vực hiện nay nên đang cần rất nhiều nguồn nhân lực. Ví dụ như tài chính ngân hàng, điện tử viễn thông hay nông nghiệp công nghệ cao. Trong thời đại công nghiệp 4.0, chắc chắn ở Đắk Nông rất cần đến lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ để ứng dụng trong quá trình sản xuất, đặc biệt là quá trình đưa hoạt động công nghiệp gắn liền với hoạt động nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực Đắk Nông đang phát triển đó là du lịch, các ngành dịch vụ.

Liên quan đến băn khoăn trong chọn ngành, nghề, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thông tin từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và nhu cầu nguồn nhân lực TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, riêng tỉnh Đắk Nông cần khoảng 40.000 lao động đã qua đào tạo. Việc đã qua đào tạo ở đây là học ở nhiều bậc khác nhau kể cả bậc đại học, bậc cao đẳng, trung cấp, bậc phổ thông. Ở đây, chúng ta tập trung vào một số các nhóm ngành mà cũng là thế mạnh của tỉnh, của khu vực Tây Nguyên và Việt Nam chúng ta đang rất cần. Nhóm ngành đầu tiên là phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là các ngành ưu tiên hàng đầu, chủ yếu như công nghệ thông tin, lập trình. Nhóm ngành thứ hai liên quan đến cân bằng vật lý như: Điện, điện tử, viễn thông, điều khiển tự động, điện lạnh, hóa chất, nhựa, giày da, cao su…

Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện nay toàn bộ nền kinh tế nước ta vận hành với 40.000 công việc khác nhau trong khi đó các trường chỉ đào tạo khoảng 366 ngành học. Do đó, khi học sinh lựa chọn ngành học, trường học nên tìm hiểu xem sẽ làm công việc gì để có sự lựa chọn cho phù hợp.

Ông Phạm Doãn Nguyên chia sẻ: Công tác chọn ngành, nghề rất quan trọng, quyết định đến tương lai của mỗi người... Vì vậy, trong quá trình chọn ngành, nghề, học sinh phải dựa vào 3 yếu tố cơ bản: Thứ nhất là năng lực, khả năng; thứ hai là niềm đam mê và yêu thích; thứ ba là nhu cầu của thị trường lao động. Mỗi yếu tố kết hợp lại sẽ cho các bạn giá trị hành nghề tốt nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn đúng ngành, nghề, quyết định tương lai (kỳ 2): Tìm hướng đi đúng trong chọn ngành, nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO