Lựa chọn đúng ngành, nghề, quyết định tương lai

Nguyễn Hiền| 28/03/2018 11:20

Quyết định lựa chọn ngành, nghề dự thi ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của mỗi học sinh. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến thời điểm đăng ký dự thi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, nên việc giúp học sinh lựa chọn ngành, nghề dự thi hay xác định hướng đi cho mình là điều hết sức cần thiết.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Hướng nghiệp còn hạn chế

Công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh chọn ngành, nghề cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với năng khiếu của cá nhân. Nhưng thực tế, không ít học sinh vẫn mơ hồ về lựa chọn hướng đi cho mình.

Học sinh cần phải xác định, lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

Lúng túng trong chọn hướng đi

Đến thời điểm này, em Bùi Xuân Long ở xã Đắk Som (Đắk Glong) đã cơ bản học xong nghề làm tóc và có thể mở tiệm riêng cho mình. Long kể về câu chuyện của mình và cảm thấy may mắn khi kịp thời thay đổi quyết định. Năm học 2016-2017, Long tốt nghiệp lớp 12, cũng như bao bạn khác với tâm lý phải vào đại học và cũng theo nguyện vọng của bố mẹ. Vì vậy, Long thi và đậu ngành quản lý đất đai của Trường Đại học Tây Nguyên.

Thế nhưng, qua 1 năm học, Long càng nhận thấy mình không hề phù hợp với ngành đã dự thi vào, nên việc học tập trở nên mệt mỏi. Trong khi đó, ước mơ học nghề làm tóc trước đó vẫn in đậm trong tâm trí Long. Sau thời gian suy nghĩ, trăn trở, Long đã quyết định theo đuổi ước mơ của mình là đi học nghề làm tóc. Long tâm sự: “Ban đầu bỏ đại học đi học nghề, bố mẹ em giận ghê lắm, nói thích thì tự lo. Nhưng do em yêu thích từ lâu nên vẫn quyết định theo đuổi đam mê của mình. Bây giờ em đã học xong nghề và có việc làm tại nơi học, bước đầu có thu nhập nên cũng rất vui. Thấy em chín chắn hơn nên giờ bố mẹ cũng đã thay đổi ý kiến và ủng hộ cho niềm đam mê của em. Từ bài học của bản thân, em nghĩ, việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp là yếu tố quan trọng giúp mình có sự sáng tạo, trách nhiệm và cống hiến trong công việc. Em đã mất 1 năm cho việc lựa chọn sai ngành mình muốn học, nên em vẫn hay khuyên nhiều bạn trẻ nên lựa chọn ngành ghề phù hợp, nhất là phải yêu thích, đam mê”. 

Không chỉ riêng Long, nhiều học sinh hiện nay chưa hiểu rõ về việc lựa chọn ngành nghề, vẫn mang nặng tâm lý học xong lớp 12 phải thi vào đại học. Do hạn chế về hiểu biết, nên một bộ phận học sinh vẫn có quan niệm phải thi đại học cho biết, không quan tâm đến các điều kiện của mình có phù hợp hay không.

Người dân ở xã Đắk D'rô (Krông Nô) hầu như ai cũng biết đến gia đình ông P.V. Khảm có 3 người con đều học đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, 2  người con đã tốt nghiệp đại học đến nay vẫn thất nghiệp dù đã lặn lội xin việc nhiều năm nay. Người con thứ 2 ngậm ngùi xem như mất không thời gian 4 năm theo học đại học. Không hy vọng xin được việc, em quyết định lập gia đình và về làm nghề buôn bán nhỏ. Người con thứ 3 theo học đại học ngành quản trị kinh doanh cũng không xin được việc làm nên về học nghề lái xe.

Những trường hợp như gia đình ông Khảm không phải là hiếm hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, hàng năm tỉnh Đắk Nông có hàng trăm học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng thất nghiệp. Nhiều trường hợp bắt đầu lại với con đường học nghề để mưu sinh.

Những trường hợp nói trên không phải là hiếm mà luôn được nhắc đến nhiều, trở thành vấn đề “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh hay đại biểu Quốc hội tỉnh. Đây cũng là “bài toán khó” đối với tỉnh trong giải quyết việc làm cho bộ phận không nhỏ sinh viên thất nghiệp trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Học sinh tham khảo ngành, nghề tại Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018.

Hướng nghiệp mới chỉ ở phần ngọn

Một trong những kênh thông tin để học sinh có thể có những định hướng tốt trong việc chọn ngành, nghề phù hợp là các nhà trường. Tuy nhiên, việc hướng nghiệp tại nhiều trường vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, việc định hướng nghề tại các trường phổ thông chủ yếu qua chương trình dạy học hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, dạy nghề phổ thông và tuyên truyền thông qua giáo viên, các đoàn thể, kết hợp với các trường đại học, trung tâm dạy nghề tư vấn...

Theo chương trình hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT quy định, bậc THCS có 70 tiết và bậc THPT có 105 tiết hướng nghiệp. Hầu hết các nhà trường đều triển khai thực hiện, nhưng hiệu quả không rõ nét, do không dành thời gian thích đáng cho nội dung hướng nghiệp.

Điển hình như tại Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa), việc triển khai các tiết hướng nghiệp giao cho 6 giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, theo ông Mai Quý Châu, Hiệu phó nhà trường, hầu hết giáo viên đảm nhận công tác hướng nghiệp thường không qua đào tạo, chủ yếu là thông qua tập huấn nên nghiệp vụ triển khai còn hạn chế. Việc tổ chức các tiết tham quan thực tế hầu như không tổ chức được do không có thời gian và đủ kinh phí thực hiện.

Cũng theo ông Châu, việc hướng nghiệp hay dạy nghề chỉ mới bước đầu hình thành được nhận thức, tư duy về nghề nghiệp cho học sinh chứ chưa đạt đến độ cung cấp kiến thức sâu về các nghề hay kỹ năng của một số nghề học sinh được học.

Công tác dạy nghề trong trường phổ thông cũng là một trong những hoạt động quan trọng để hướng nghiệp, phân luồng học sinh, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức dạy nghề nhiều nơi không theo mục tiêu đặt ra. Hầu hết học sinh đều xem việc học nghề là “phao cứu sinh”, là yếu tố bảo đảm cho kết quả thi tốt nghiệp do được cộng điểm. Chưa kể đến, việc dạy nghề có tình trạng cung không đủ cầu. Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện tại, ngành Giáo dục triển khai dạy một số nghề có sẵn cơ sở vật chất như Tin học, điện, làm vườn…Vì vậy, học sinh ít có sự lựa chọn theo sở thích cũng như tìm hiểu những nghề mình sẽ lựa chọn dự thi trong tương lai.

Tại Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm  2018 vừa được tổ chức ở thị xã Gia Nghĩa mới đây, ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Qua thực tế nhiều năm tiếp xúc với học sinh ở các trường học trên địa bàn tỉnh, tôi thấy, thực tế các bạn cũng đã được hướng nghiệp. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc hướng nghiệp ở đây đang còn ở phần ngọn, còn phần gốc và phần cốt lõi thì vẫn chưa quan tâm lắm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp”.

Theo ông Phan Thanh Hải, không thể phủ nhận ý nghĩa của công tác hướng nghiệp và dạy nghề thời gian qua, nhưng do nhiều nguyên nhân nên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đây là vấn đề mà ngành Giáo dục cần phải nghiên cứu, tính toán để tăng cường chuyên sâu hơn nữa công tác hướng nghiệp, dạy nghề, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin để học sinh, phụ huynh có cái nhìn đa chiều hơn các ngành, nghề, từ đó có sự lựa chọn hướng đi phù hợp, hiệu quả hơn.

>> Kỳ 2: Tìm hướng đi đúng trong chọn ngành nghề

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn đúng ngành, nghề, quyết định tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO