Khuyến khích học sinh tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo

Nguyễn Hiền| 05/02/2020 09:33

Một trong những kênh quan trọng để ngành Giáo dục thực tiễn hóa những kiến thức lĩnh hội được của học sinh chính là các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Từ các cuộc thi, nhiều đề tài của học sinh đã đạt giải cao, có ý nghĩa và áp dụng được trong thực tiễn.

ADQuảng cáo

Tạo sân chơi ý nghĩa

Những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều hình thức thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh. Trên cơ sở kế hoạch đề ra, các nhà trường có những bước triển khai như tuyên truyền, phát hiện học sinh có năng khiếu, từ đó khuyến khích, động viên các em tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Các nhà trường luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho học sinh nghiên cứu khoa học và hỗ trợ các em tham gia cuộc thi các cấp. Chủ đề nghiên cứu sáng tạo thường gần với thực tiễn cuộc sống tại địa phương và kiến thức các em đã được học ở các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh...

Qua việc tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, học sinh tự tin hơn trong chiếm lĩnh kiến thức

Những năm gần đây, học sinh đã thể hiện khả năng của mình ở nhiều lĩnh vực hơn như hệ thống nhúng, hóa học, hóa sinh, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, khoa học xã hội và hành vi, năng lượng vật lý, phần mềm hệ thống, sinh học tế bào và phân tử, toán học, y sinh và khoa học sức khỏe...

Nhằm tạo động lực và phong trào thi đua giữa các nhà trường, hàng năm ngành Giáo dục tổ chức tổng kết, đánh giá các hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh. Qua đó, học sinh đạt thành tích đã được biểu dương khen thưởng kịp thời. Những dự án có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn đã được ghi nhận và được tuyên truyền rộng rãi để học sinh các cấp biết và tích cực tham gia.

Hoạt động thường xuyên

ADQuảng cáo

Hiện nay, việc tham gia phong trào nghiên cứu, sáng tạo đã trở thành hoạt động thường xuyên của các nhà trường từ bậc THCS đến THPT. Nhiều trường đã trở thành những điển hình có số lượng học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp với những giải thưởng cao. Điển hình, Trường THPT Krông Nô (Krông Nô); Trường Phổ thông DTNT Đắk R’lấp và Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp); Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil).

Ông Trần Công Nhị, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) cho biết: Để khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo, hàng năm, trường giao cho giáo viên các bộ môn theo dõi, phát hiện những học sinh có năng khiếu thể hiện khả năng của mình. Cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên, các em chủ động tiếp cận từ khâu chọn đề tài, thí nghiệm và tổ chức áp dụng thực tiễn. Qua mỗi kỳ tham gia, hầu hết các em đều trưởng thành hơn rất nhiều, nhất là biết cách nghiên cứu, tìm tòi, biết làm việc nhóm và hiểu sâu hơn các lĩnh vực mình nghiên cứu. Nhiều em cũng đã ghi dài thêm thành tích của trường trong các cuộc thi cấp tỉnh và khu vực.

Hình thành thói quen, kỹ năng cho học sinh

Trong quá trình tham gia các cuộc thi, nhiều đề tài có tính khả thi và được học sinh, các nhà trường áp dụng thực hiện trong thực tiễn. Điển hình như Dự án “Giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh Trường THPT Krông Nô về giá trị di sản Công viên địa chất Đắk Nông” của hai em Trần Cẩm Ly và Trần Thị Phượng, học sinh Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, trong đó có giải nhì cấp quốc gia.

Từ tính khả thi và cấp thiết, nhà trường đã nhân rộng triển khai bằng nhiều hình thức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của Công viên địa chất. Dự án tập trung các giải pháp tuyên truyền thông qua nhiều sản phẩm như tranh đá lấy từ hang động núi lửa, các sản phẩm gia dụng làm bằng thổ cẩm, nhà sàn làm bằng các nguyên liệu lấy từ cánh đồng núi lửa... Giá trị của đề tài là đã đưa ra được những giải pháp thiết thực trong bảo tồn và phát huy các giá trị của Công viên địa chất núi lửa.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 1 giải nhì và 2 giải ba quốc gia, cùng hàng trăm giải khác trong các cuộc thi cấp khu vực và cấp tỉnh... Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, việc học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật là một trong những cách thức để ngành Giáo dục cụ thể hóa hiệu quả dạy học ở các bộ môn. Mục đích hướng tới là làm sao hình thành thói quen, kỹ năng cho học sinh trong việc tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục có những hình thức thiết thực hơn nữa trong việc đẩy mạnh phong trào để thu hút học sinh tham gia ở tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có tính ứng dụng cao trong thực tiễn địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích học sinh tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO