Khơi nguồn sáng tạo của học sinh

Nguyễn Hiền| 20/01/2016 10:11

Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, năm học 2015-2016 do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức mới đây đã thu hút nhiều học sinh tham gia với những đề án mang tính sáng tạo, ứng dụng thực tế cao, để lại nhiều ấn tượng đối với ban tổ chức, người xem.

ADQuảng cáo

Điển hình như dự án “Dùng Trichoderma và giun đất biến phế thải nông nghiệp thành phân hữu cơ” của các em Nguyễn Thị Thư và Hoàng Quốc Việt ở Trường THCS Phạm Hồng Thái ở xã Ea Pô (Chư Jút). Mặc dù là lần đầu tiên tham gia cuộc thi mang tính nghiên cứu khoa học, nhưng hai em đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để tạo nên sản phẩm có ích.

Dự án “Dùng Trichoderma và giun đất biến phế thải nông nghiệp thành phân hữu cơ” của học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Ea Pô (Chư Jút)

Em Thư cho biết: Ở địa phương em có đến 90% hộ sản xuất nông nghiệp nên hàng năm có hàng nghìn tấn phế thải được thải ra môi trường như vỏ cà phê, rơm rạ, cùi ngô, các loại cây họ đậu… Nếu để đốt thì lượng mùn thu lại không được là bao, còn phân hủy thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng em đã nghĩ ra cách biến những phế thải này thành nguồn phân bón hữu ích. Điểm nổi bật của dự án này là cho giun đất có sẵn vào “cày xới” để tạo độ mùn. Cùng với đó thì chi phí thực hiện cũng thấp, quy trình lại đơn giản và ai cũng có thể thực hiện được.

Tương tự, dự án “Thiết bị xử lý khí độc trong phòng thí nghiệm” của các em Lê Minh Triền và Trần Thị Ngọc Ánh ở Trường THPT Phan Chu Trinh (Chư Jút) cũng được Ban giám khảo đánh giá cao và đạt giải nhì toàn cuộc thi. Với ý tưởng độc đáo, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra là bảo vệ được môi trường không khí, đồng thời biến đổi và tái sử dụng một số khí độc vào việc chăm sóc cây trồng.

Em Triền cho biết: Hiện nay, học sinh các trường học vẫn thường xuyên làm thí nghiệm trong các phòng nhưng chưa có thiết bị để gom và xử lý các hơi, khí độc từ thí nghiệm tạo ra. Vì vậy, với sự hướng dẫn của giáo viên, chúng em đã nghĩ ra dự án này. Đây là lần đầu tiên em tham gia nghiên cứu khoa học và thấy rất thú vị vì được thực hành, vận dụng và trải nghiệm nhiều kiến thức đã được học. Với dự án này, chúng em đã phải vận dụng kiến thức liên môn như vật lý, hóa học, sinh học và kỹ thuật nông nghiệp... Cũng qua cuộc thi, không chỉ giúp chúng em cảm thấy tự tin hơn vào chính mình mà còn hình thành được các kỹ năng, cách thức khi nghiên cứu khoa học. Sau cuộc thi, em sẽ vận dụng những kiến thức đã được học để tiếp tục có những đề tài nghiên cứu hay hơn, ý nghĩa hơn nữa.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các dự án tham gia năm nay rất đa dạng, phong phú về các lĩnh vực. Cụ thể như các lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, hóa sinh, hóa học, kỹ thuật môi trường, hệ thống nhúng, năng lượng vật lý, vật lý và thiên văn, Robot và máy tính thông minh, phần mềm hệ thống, kỹ thuật cơ khí…

ADQuảng cáo

Cuộc thi đã thu hút sâu rộng đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, nhất là có sự tham gia của học sinh THCS. Hầu hết các dự án có sự chuẩn bị chu đáo, có sự nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng một cách sáng tạo. Nhiều dự án biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Điển hình như các dự án: “Xử lý và tận dụng rác thải trong gia đình trồng rau sạch với hệ thống tưới nhỏ giọt thân thiện với môi trường”, “Hệ thống thiết bị đuổi ruồi”, “Máy bơm nước chạy bằng năng lượng mặt trời”, “Hệ thống cảnh báo nguy hiểm cho xe máy khi lưu thông mà chưa gạt chân chống”… Qua các đề án, nhiều học sinh đã thể hiện được niềm đam mê, năng lực sáng tạo khi nghiên cứu khoa học. Đây cũng là tiền đề quan trọng, bước khởi đầu cho nhiều học sinh tiếp cận và làm quen với nghiên cứu khoa học, từng bước biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

Mô hình “Hệ thống cảnh báo nguy hiểm cho xe máy khi lưu thông mà chưa gạt chân chống” của học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Đắk Mil)

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì đây là cuộc thi được tổ chức thường niên nhằm giúp học sinh hình thành các kỹ năng về nghiên cứu khoa học. Để khích lệ học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, ngành Giáo dục đã có những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Cụ thể như đối với giáo viên phụ trách, hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án được hỗ trợ về kinh phí; học sinh đạt giải được động viên, khen thưởng kịp thời. Những em đạt giải cao trong cuộc thi quốc gia còn được tuyển thẳng vào một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Có thể nói đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là một sân chơi ý nghĩa để học sinh thể hiện khả năng hiểu biết của mình về các lĩnh vực đã được học. Thông qua đó, ngành Giáo dục đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, chú trọng phát triển năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn sáng tạo của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO