Khi nhà trường, phụ huynh cùng bắt tay xây dựng khu vui chơi cho học sinh

Nguyễn Hiền| 30/09/2015 09:11

Bước vào năm học mới 2015-2016, học sinh ở một số trường tiểu học ở huyện Krông Nô háo hức, vui mừng hơn khi có thêm khu vui chơi ở sân trường. Điều đáng ghi nhận là các sân chơi đều do giáo viên, phụ huynh, học sinh đóng góp, tự làm từ các vật liệu đã qua sử dụng.

ADQuảng cáo

Gần 2 tuần nay, trước các giờ học hay giờ ra chơi, sân Trường tiểu học Lê Văn Tám ở xã Nâm Nung trở nên nhộn nhịp, vang tiếng cười đùa của học sinh hơn. Các em hồn nhiên chạy nhảy, háo hức chơi hết trò này đến trò khác. Học sinh nam thì chơi trò leo trèo, trượt cáp; học sinh nữ thì tụm ba, tụm bảy chơi bập bênh, ngồi xích đu, cầu trượt…

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Nâm Nung vui mừng khi có sân chơi

Theo thầy giáo Võ Hữu Lanh, Hiệu phó Trường tiểu học Lê Văn Tám thì khi được phổ biến về việc làm khu vui chơi cho học sinh, hầu hết phụ huynh rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Trên cơ sở được hỗ trợ về kỹ thuật và mô hình, nhà trường, phụ huynh đã lập kế hoạch cụ thể để thực hiện việc làm khu vui chơi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Ở những cây bàng, cây phượng to trong sân trường được tận dụng để treo xích đu. Riêng khu vực sân chơi được bố trí ở một góc sân trường có nhiều cây cối nên rất lý tưởng cho các em tham gia vui chơi, vận động.

Trong khu vui chơi được thiết kế và sắp xếp đủ loại các trò chơi phù hợp cho tất cả đối tượng học sinh lớp lớn, lớp nhỏ, nam, nữ. Những vật liệu để làm các trò chơi chủ yếu là tận dụng phế liệu cũ như lốp xe ô tô, gỗ, tre, lõi quấn cáp điện... được làm sạch sẽ, sơn màu sắc bắt mắt nhằm giữ độ bền cũng như tạo sự hứng thú của học sinh. Khi có sân chơi, các em háo hức, vui mừng lắm, cứ trống điểm ra chơi hay tan trường là lại chạy ùa ra chơi như để thỏa mãn mong ước lâu nay.

Điều đáng mừng là từ khi có khu vui chơi, các em đi học cũng chuyên cần hơn, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Em Y Nhuýt, học sinh lớp 4B tâm sự: “Đây là lần đầu tiên chúng em được chơi nhiều trò chơi như thế nên rất vui, càng thích đi học hơn”.

ADQuảng cáo

Tương tự, học sinh Trường tiểu học Lê Lợi, xã Nam Xuân cũng háo hức khi nhà trường có một khu vui chơi mới.

Theo cô Lê Thị Ánh Tuyết, Hiệu phó nhà trường thì khi triển khai việc làm sân chơi, Ban giám hiệu đã mời và huy động phụ huynh tham gia vào tất cả các khâu như lập kế hoạch, thực hiện. Chính vì vậy, phụ huynh rất vui mừng, tin tưởng và tham gia rất nhiệt tình từ việc tìm nguyên vật liệu, góp ngày công. Học sinh cũng được vận động tham gia làm những công việc vừa sức nhằm rèn luyện ý thức trách nhiệm cho các em.

Qua gần hai tuần, với sự chung sức của toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhà trường đã có một khu vui chơi như ước nguyện. Anh Đoàn Quốc Công, một phụ huynh tâm sự: Chúng tôi rất vui khi nhà trường phát động làm được một khu vui chơi như vậy cho các cháu. Từng chi hội phụ huynh được phân công nhiệm vụ làm từng khâu, nhưng nhiều phụ huynh đã có mặt ngay từ đầu cho đến khi hoàn thành công trình. Việc tham gia các trò chơi vận động như vậy giúp các cháu có những phút vui chơi an toàn, lành mạnh.

Theo bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì hiện tại, ở bậc tiểu học trong toàn tỉnh đã có 3 trường xây dựng được khu vui chơi cho học sinh, chủ yếu là các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số. Đây là một trong những hình thức để các nhà trường tạo sân chơi lành mạnh, thân thiện và thu hút trẻ đến trường.

Việc thực hiện một khu vui chơi cho học sinh mất không nhiều kinh phí nếu các trường biết tận dụng vật liệu cũ và thu hút được phụ huynh cùng các đoàn thể ở địa phương tham gia. Ngành Giáo dục sẽ tăng cường động viên, khích lệ các trường học khác tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình, tạo điều kiện cho học sinh được vui chơi, phát triển các kỹ năng vận động, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng các giờ học.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nhà trường, phụ huynh cùng bắt tay xây dựng khu vui chơi cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO