Giúp học sinh hiểu biết, tự hào về lịch sử, văn hóa địa phương

Ngọc Dũng| 27/04/2019 08:30

Từ năm học 2014-2015, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai việc đưa chương trình lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy trong các trường THPT. Với những hình thức phù hợp đã góp phần tích cực trong việc tăng cường hiểu biết, niềm tự hào của học sinh về lịch sử, văn hóa nơi mình sinh sống.

ADQuảng cáo

Học sinh Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) sáng tạo các sản phẩm lấy nguyên liệu từ Công viên địa chất Đắk Nông và đạt giải cao tại cuộc thi khoa học cấp tỉnh, khu vực

Đa dạng hóa hình thức truyền đạt

Việc đưa lịch sử, văn hóa địa phương thành môn học chính thức đã tạo ra nhiều thay đổi trong việc dạy và học ở các nhà trường. Bên cạnh sử dụng giáo trình chung nhằm cung cấp những thông tin về lịch sử, văn hóa của tỉnh, các trường còn có những hình thức liên hệ thực tế để học sinh nắm được những đặc điểm về lịch sử, văn hóa ngay trên địa bàn sinh sống.

Điển hình như tại Trường THPT Trần Hưng Đạo ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) hàng năm tổ chức cho học sinh tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn như Nhà ngục Đắk Mil, Đồi 722...

ADQuảng cáo

Đặc biệt, Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của Công viên địa chất Đắk Nông. Không chỉ tổ chức cho học sinh tham quan trực tiếp để tìm hiểu, trường còn tổ chức các cuộc thi liên quan đến Công viên địa chất. Trường phát động cuộc thi chủ đề về Công viên địa chất với các hình thức, thu hút học sinh tìm hiểu, sáng tạo các sản phẩm phục vụ du lịch từ các nguyên liệu liên quan đến địa chất núi lửa Krông Nô. Cuộc thi đã để lại ấn tượng sâu trong học sinh các khối, lớp. Một số học sinh có ý tưởng sáng tạo và đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp khu vực.

Hun đúc tình yêu, trách nhiệm

Từ khi Sở Giáo dục-Đào tạo ban hành giáo trình và đưa vào thành môn học, Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) đã thực hiện đúng theo phân bổ chương trình. Theo Hiệu trưởng Phan Sĩ Quang, việc tích hợp dạy lịch sử, văn hóa địa phương đã được trường triển khai lồng ghép từ nhiều năm nay. Ngoài các tiết theo quy định, giáo viên các bộ môn tăng cường tích hợp vào các môn học khác như Địa lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn...Từ khi đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy, tỷ lệ học sinh yêu thích môn học ngày càng nhiều hơn. Giáo viên cũng chú trọng hơn trong việc tìm hiểu và liên hệ thực tế lịch sử trên địa bàn tỉnh nói chung và nơi mình sinh sống nói riêng để dẫn chứng, minh họa, cung cấp thông tin cho học sinh.

Ngoài các hoạt động dạy và học, Trường THPT Chu Văn An còn tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp. Hàng tháng, trường tổ chức cho các lớp luân phiên nhau dọn dẹp vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, góp phần nhắc nhở học sinh tự hào, ghi nhớ những hy sinh của các thế hệ đi trước cho độc lập, hòa bình hôm nay. Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương thông qua các hoạt động khác như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa...

Có thể nói, việc dạy lịch sử địa phương đã cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử nơi mình sinh sống, trên cơ sở đó giáo dục tình yêu quê hương, niềm tự hào cũng như trách nhiệm của bản thân đối với nơi mình sinh ra, lớn lên. Điều xúc động nhất là vào các dịp khai giảng, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm  hay trước các kỳ thi, học sinh và giáo viên thường đến thắp hương tri ân thầy Chu Văn An-người được chọn đặt tên trường để vừa tưởng nhớ công ơn và cũng gửi gắm niềm mong đợi tốt lành sẽ đến. Đó là những hành động đẹp và được duy trì qua nhiều lớp, nhiều thế hệ học sinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp học sinh hiểu biết, tự hào về lịch sử, văn hóa địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO