Giáo viên bậc mầm non vẫn là vấn đề nan giải đối với ngành Giáo dục Đắk Glong

Lê Dung thực hiện| 10/09/2019 09:45

Là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh về giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ năm học mới 2019-2020, Đắk Glong đã và đang huy động nhiều nguồn lực nhằm giảm áp lực cho ngành Giáo dục huyện nhà. Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong.

ADQuảng cáo

Ông Vũ Tá Long

PV: Ông cho biết khái quát tình hình về giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện trong năm học 2019-2020?

Ông Vũ Tá Long: Năm học 2019-2020, toàn huyện có 20.605 em học sinh, tăng 2.806 em so với năm học trước. Trong đó, bậc mầm non là 5.832  học sinh, tăng 1.400 cháu; số lớp học 189 lớp, tăng 35 lớp; tỷ lệ học sinh/lớp là 30,86. Bậc tiểu học: 9.643 em, tăng 712 em; số lớp học là 291 lớp, tăng 17 lớp; tỷ lệ học sinh/lớp: 33,14 em. Bậc THCS: 5.130 em, tăng 694 em; có 122 lớp học, tăng 6 lớp; tỷ lệ học sinh/lớp: 40 em/lớp.

Toàn huyện hiện đang có 866 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, cấp học mầm non là 180 người; tiểu học: 437 người; THCS: 250 người. Để bảo đảm công tác dạy và học trong năm học mới theo quy định, số giáo viên toàn ngành Giáo dục huyện còn thiếu là 440 giáo viên. Trong đó, mầm non: thiếu 306 giáo viên; tiểu học: 88 giáo viên: THCS: 46 giáo viên. Đây cũng là một trong những vấn đề mà địa phương đang vất vả để tìm ra phương án hiệu quả nhất, khắc phục khó khăn phục vụ công tác dạy và học cho năm học mới 2019-2020.

PV: Như vậy các cấp học điều thiếu giáo viên, trong đó giáo viên ở bậc mầm non đang thiếu nhiều nhất. Để bảo đảm việc dạy và học cho trẻ trên địa bàn, hiện tại huyện đã có những giải pháp gì cụ thể, thưa ông?

Ông Vũ Tá Long: Quả thực, huyện đang rất “đau đầu” về vấn đề thiếu giáo viên ở bậc học mầm non. Năm học mới này, số lượng trẻ ở độ tuổi đến trường cũng tăng quá nhanh (tăng 1.400 cháu so với năm học trước). Trong khi, tổng số giáo viên toàn huyện hiện chỉ có 129 người.

Để khắc phục những khó khăn này, vừa qua tỉnh cũng đã có quyết định bổ sung biên chế cho huyện 111 giáo viên mầm non; đồng thời, thực hiện ký hợp đồng theo năm học đối với 74 giáo viên mầm non khác. Số giáo viên hiện còn thiếu ở bậc học này đang là 121 giáo viên. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện nhanh việc điều động giáo viên giữa các trường thiếu ít sang các trường thiếu nhiều, nhằm sớm bảo đảm cho công tác dạy và học trên địa bàn. Địa phương cũng thực hiện điều chuyển 14 nhân viên của các trường sang làm giáo viên mầm non khi đã bổ sung đầy đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ theo quy định.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cũng được huyện triển khai. Theo đó, đến nay đã có 3 cán bộ quản lý không đủ điều kiện được bố trí làm giáo viên tại các trường mầm non. Đặc biệt, do thiếu giáo viên và cơ sở vật chất không thể đáp ứng kịp, nên năm học 2019-2020, huyện cũng đưa ra phương án ưu tiên tuyển sinh 100% trẻ từ 5-6 tuổi (với 2.007 trẻ).

Tiếp đó, tùy theo điều kiện của từng trường sẽ lần lượt tuyển sinh trẻ 4-5 tuổi và 3-4 tuổi. Riêng trẻ từ 24-36 tháng tuổi sẽ giao cho các cơ sở giáo dục mầm non nào bảo đảm về cơ sở vật chất, trên cơ sở nhu cầu của phụ huynh học sinh sẽ tổ chức tuyển sinh; đồng thời, thực hiện mô hình xã hội hóa theo hình thức phụ huynh đóng góp để thuê giáo viên giảng dạy và chăm sóc.

Việc ghép lớp hiện cũng được một số trường thực hiện khi số lượng trẻ quá đông. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã và đang huy động từ nguồn xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Theo đó, toàn huyện hiện có 4 trường mầm non tư thục đi vào hoạt động và đang thu hút hơn 830 trẻ đến trường. Trong đó, bao gồm: Nhóm trẻ mầm non và Trường mẫu giáo Hồng Phúc, ở xã Quảng Khê; Trường mẫu giáo Thiên An, ở Đắk Som và Trường mẫu giáo Hoa Mơ, ở xã Quảng Sơn.

PV: Tăng học sinh cũng đồng nghĩa với yêu cầu tăng cơ sở vật chất trường lớp học. Hiện vấn đề này đã được địa phương khắc phục như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Tá Long: Hiện nay, toàn huyện có 546 phòng học các cấp. Trong đó, mầm non: 183 phòng, với tỷ lệ 1,19 phòng/lớp; tiểu học: 245 phòng, với tỷ lệ 0,89 phòng/lớp; THCS: 118 phòng, với tỷ lệ 0,98 phòng/lớp. Như vậy, tổng số phòng học cho năm học mới còn thiếu là 122 phòng. Trong đó, bậc mầm non thiếu 62 phòng; tiểu học thiếu: 60 phòng.

Ngoài ra, hầu hết các trường trên địa bàn huyện còn thiếu phòng học bộ môn, nhà đa năng, nhà hiệu bộ. Trang thiết bị dạy học được mua sắm đã lâu nên đã xuống cấp và hư hỏng, nhưng chưa được bổ sung, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học. Để khắc phục khó khăn này, trong năm học mới 2019-2020, huyện đã thực hiện đầu tư 47,5 tỷ đồng để xây 82 phòng học mới. Địa phương cũng tập trung xây dựng và sửa chữa các công trình, hạng mục phụ trợ khác, với tổng kinh phí là 8,5 tỷ đồng. Số công trình vệ sinh, nước sạch được đầu tư xây dựng trong năm học là 5 công trình, với tổng kinh phí là 1 tỷ đồng…

Huyện hy vọng, với những giải pháp trước mắt này sẽ giúp ngành Giáo dục vượt qua khó khăn, bảo đảm việc dạy và học. Về lâu dài, huyện cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để giúp cho công tác dạy và học trên địa bàn sớm đi vào ổn định.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông !

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên bậc mầm non vẫn là vấn đề nan giải đối với ngành Giáo dục Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO