Giáo dục, xây dựng cho học sinh có thói quen lao động

Va Ly| 14/09/2016 09:26

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, những năm trở lại đây, nhiều trường học đã bỏ hẳn thói quen cho học sinh trực nhật, quét dọn lớp học, gây nhiều điều không có lợi trong môi trường học đường.

ADQuảng cáo

Trường tiểu học Phan Đình Phùng ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) cho học sinh lao động để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường

Thuê lao công quét dọn lớp

Giữ gìn vệ sinh trường, lớp là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Điều đáng nói là nếu như trước đây, việc quét dọn lớp học đều do học sinh làm thì hiện nay, nhiều trường đã thuê lao công để làm công việc này.

Tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) nhiều năm nay thường xuyên thuê lao công đảm nhận việc dọn vệ sinh cho toàn trường và kiêm luôn cả quét dọn các lớp học.

Theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Tuệ thì vào đầu mỗi năm học, trường đưa ra chủ trương thuê lao công dọn vệ sinh lớp, nếu hầu hết phụ huynh tán thành thì thực hiện. Vì vậy, nhiều năm nay trường đã thuê lao công và mỗi tháng trả 5 triệu đồng từ nguồn đóng góp của phụ huynh, học sinh.

Khi được hỏi vì sao không để học sinh tự dọn dẹp, cô Tuệ cũng cho biết, chiều chiều các em xả rác rất nhiều do thói quen từ các lớp dưới, nên phụ huynh không muốn con mình làm. Phần nữa là do học sinh bậc THCS vào học sớm từ 7 giờ nên khó thực hiện trực nhật.

Tương tự, tại Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa), học sinh cũng không phải trực nhật, cứ mỗi buổi đến trường thì lớp đã được dọn dẹp sạch sẽ từ lúc nào. Học sinh chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là lau bảng. Một học sinh lớp 11 cho biết, đi học mặc quần áo sạch sẽ mà phải trực nhật thì rất phiền. Nếu không phải trực nhật thì chúng em có thêm thời gian để ôn lại bài trước giờ vào lớp.

ADQuảng cáo

Theo thầy Hiệu trưởng Phan Sĩ Quang, toàn trường có trên 1.000 học sinh theo học ở 25 lớp. Đúng theo quy định thì việc dọn vệ sinh lớp học là học sinh phải làm. Nếu để học sinh trực nhật thì sẽ tốt hơn nhằm rèn luyện ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhưng nhà trường giao cho các lớp tự đảm nhận, làm sao bảo đảm được lớp học sạch sẽ, chứ không can thiệp sâu và hầu hết là thuê lao công làm.

Trong thực tế, hầu hết các lớp tiểu học, với lý do học sinh còn nhỏ nên các trường đều thuê lao công dọn dẹp lớp học. Thế nhưng, không ít trường THCS và THPT ở khu vực  trung tâm cũng thuê lao công để quét dọn lớp, chi phí trả lao công chủ yếu là từ đóng góp của phụ huynh. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân làm “nóng” vấn đề thu chi đầu năm học ở một số trường học.

Lao động giúp học sinh phát triển toàn diện

Trong các chương trình ngoại khóa, tích hợp các môn học, các trường thường chú trọng tuyên truyền cho học sinh về kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường…Theo nhiều giáo viên thì giáo dục lao động là “kênh” quan sát cực kì hữu ích và chuẩn xác.

Thông qua hoạt động này, giáo viên có thể uốn nắn, điều chỉnh nhiều hành vi ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Lao động không chỉ là cơ hội để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng lao động mà còn bồi đắp tình thương, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, biết trân trọng người lao động và giá trị của lao động.

Trong yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học như hiện nay, việc giáo dục lao động được xem là một tiêu chí quan trọng trong giáo dục đạo đức, giúp học sinh phát triển toàn diện. Hầu hết trường học ở các vùng sâu, vùng xa, việc dọn vệ sinh sân trường, lớp học đều do học sinh đảm nhiệm, thậm chí cả cấp tiểu học. Qua ghi nhận, việc lao động, dọn vệ sinh lớp học cũng không hề ảnh hưởng gì đến thời gian học tập của các em.

Phát biểu trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo đã khẳng định, việc giáo dục lao động đối với học sinh đóng vai trò rất quan trọng, nếu không các em sẽ lười dần. Việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày làm kín thời gian, nhưng các phòng giáo dục cũng cần nghiên cứu lại cho hợp lý để học sinh được tham gia lao động một cách phù hợp. Sở Giáo dục-Đào tạo cũng sẽ có văn bản chỉ đạo các nhà trường phải tăng cường giáo dục, xây dựng cho học sinh có thói quen lao động, để hình thành kỹ năng, có ý thức bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất trường lớp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục, xây dựng cho học sinh có thói quen lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO