Gia Nghĩa khuyến khích sự sáng tạo trong sử dụng đồ dùng dạy học bậc mầm non

Nguyễn Hiền| 30/11/2015 14:04

Để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, trong những năm qua, các trường mầm non ở thị xã Gia Nghĩa luôn chú trọng sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, tạo hiệu quả rõ rệt đối với trẻ.

ADQuảng cáo

Tiết học của lớp lá 2, Trường mầm non Hoa Bưởi ở phường Nghĩa Thành trở nên sinh động hơn khi cô giáo sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm. Với chủ đề về nghề nghiệp, cô giáo cho trẻ xây dựng mô hình trang trại với nhiều loại cây ăn trái, các loại hoa và rau.

Vì vậy, trẻ vừa hứng thú xếp trang trại theo ý tưởng vừa khám phá các loại cây được cô giáo làm từ các vật liệu quen thuộc. Thân cây được làm từ các cây khô, quả được làm từ các hộp xốp, chậu hoa được làm từ các hộp nhựa, len để làm cỏ…

Giờ học sử dụng đồ dùng tự làm ở Trường mầm non Hoa Bưởi luôn thu hút trẻ

Theo cô Trần Thị Cẩm Vân, giáo viên lớp lá 2 thì các tiết học có sử dụng đồ dùng tự làm luôn thu hút trẻ tham gia các hoạt động. Với các hình ảnh minh họa trực quan không chỉ giúp trẻ  hứng thú trong việc khám phá mà còn phát triển toàn diện các mặt như nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội.

Ngoài mua các vật liệu rẻ tiền thì giáo viên sử dụng các vật liệu sẵn có được tái chế lại để làm đồ dùng và đồ chơi cho trẻ. Bất kỳ vật liệu sẵn có nào cũng có thể sử dụng như các loại hộp sữa, mo cau, lá dừa, xơ mướp, bao bóng, xốp, gỗ, ống hút, lưới....

Từ bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của giáo viên có thể làm thành các vật dụng theo từng chủ đề như các loài động vật, hoa, vườn rau, các vật dụng trong gia đình, thành phố của em…Dù là tận dụng các vật liệu tái chế nhưng phải bảo đảm các yêu cầu như an toàn, bền, đẹp và hiệu quả ứng dụng cao.

ADQuảng cáo

Tương tự, giáo viên Trường mầm non Tân Lập Thành ở phường Nghĩa Trung cũng thường xuyên sử dụng các đồ dùng dạy học để thu hút học sinh. Theo cô giáo Nguyễn Hoàng Quyên, Hiệu phó nhà trường thì việc làm đồ dùng dạy học đã trở thành nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của tất cả giáo viên và được xem là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại cuối năm.

Theo đó, nhà trường đưa ra các tiêu chí phấn đấu cụ thể trong việc làm đồ dùng dạy học đối với giáo viên từng khối, lớp. Hàng tháng, giáo viên tự làm các đồ dùng dạy học một lần theo chủ đề dạy trong từng tháng. Các cuộc thi làm đồ dùng dạy học cấp trường được tổ chức 2 lần/năm để giáo viên thể hiện khả năng, sự khéo léo của mình. Nhờ đó, phong trào làm đồ dùng dạy học đã trở thành phong trào thi đua trong nhà trường.

Không như trước đây, bây giờ mỗi giáo viên đều có thói quen cất giữ những vật dụng có thể sử dụng được để tái chế làm đồ dùng dạy học. Giáo viên còn kết hợp với phụ huynh để có được nguồn vật liệu phong phú và phù hợp. Ngoài bộ đồ dùng dạy học chung của toàn trường thì mỗi giáo viên đều có một bộ đồ dùng dạy học riêng của mình.

Nhờ thường xuyên sử dụng các đồ dùng, đồ chơi tự làm nên các tiết học trở nên sinh động và lôi cuốn học sinh hơn, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục của nhà trường cũng từng bước được nâng cao. Riêng trong năm học 2014-2015, toàn trường có 100% trẻ hoàn thành chương trình mầm non; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt trên 90%.

Theo bà Nguyễn Thị Vương, phụ trách chuyên môn bậc mầm non của Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Gia Nghĩa thì ngoài số lượng đồ dùng dạy học được cấp, đơn vị luôn khuyến khích các trường mầm non tích cực làm thêm đồ dùng dạy học từ các nguyên liệu tái chế và rẻ tiền. Nhờ đó, đồ dùng dạy học ở các trường ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Qua thực tế cho thấy, những trường mầm non thường xuyên sử dụng đồ dùng dạy học nói chung và đồ dùng dạy học tự làm nói riêng thì chất lượng giáo dục thường cao hơn. Vì vậy, đơn vị cũng thường tổ chức các hội thi để khuyến khích các trường mầm non tăng cường làm và sử dụng đồ dùng dạy học trong quá trình nuôi dạy trẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa khuyến khích sự sáng tạo trong sử dụng đồ dùng dạy học bậc mầm non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO