Gia Nghĩa, giáo dục phát triển toàn diện

Nguyễn Hiền| 23/03/2015 11:36

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, trong 10 năm qua, thị xã Gia Nghĩa đã đầu tư về mọi mặt.

ADQuảng cáo

Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất trường học

Nếu những ngày đầu mới thành lập, toàn thị xã chỉ có 16 trường học, trong đó có đến 50% phòng học tạm và mượn. Hệ thống sân bãi, các công trình vệ sinh nước sạch của các trường hầu như chưa được đầu tư xây dựng.

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng khang trang

Thế nhưng, nhờ phát huy hiệu quả các nguồn vốn khác nhau, thị xã Gia Nghĩa đã chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Toàn thị xã hiện đã có 35 trường học các cấp; trong đó, bậc mầm non có 14 trường, bậc tiểu học có 15 trường và bậc THCS có 6 trường.

Số lượng phòng học kiên cố ngày càng tăng, thay dần các phòng học tạm và mượn. Đến năm 2013 thì toàn thị xã đã xóa được phòng học tạm. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án cùng với việc thực hiện công tác xã hội hóa nên đến nay, trên 95% trường học đã xây dựng được hệ thống tường rào, các công trình vệ sinh, nước sạch, sân trường được bê tông hóa; 100% trường học được đầu tư về các trang thiết bị dạy và học cần thiết, các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như dạy học.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng thực hiện. Từ chỗ không có trường nào đạt chuẩn, đến nay, toàn thị xã đã có 10 trường đạt chuẩn, trong đó có 2 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 3 trường THCS. Đặc biệt, địa phương cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/2010/NQ-HĐND, ngày 31/12/2010 về phát triển hệ thống trường trọng điểm trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa giai đoạn 2011 – 2015.

Theo đó, toàn thị xã đã xây dựng được 4 trường trọng điểm gồm Trường mầm non Hoa Bưởi (Nghĩa Thành), Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Nghĩa Đức), Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Nghĩa Thành), Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nghĩa Tân).

Việc xây dựng trường đạt chuẩn và trường trọng điểm đã giúp các trường được đầu tư về mọi mặt, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chất lượng

Cùng với việc tăng về số lượng, thị xã cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo đó, hàng năm, ngành Giáo dục thị xã luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên được tham gia các lớp đào tạo trong và ngoài tỉnh.

Giáo viên Trường tiểu học Thăng Long ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

ADQuảng cáo

Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn do Sở giáo dục-Đào tạo tổ chức, ngành Giáo dục địa phương thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn định kỳ nhằm giúp giáo viên kịp thời cập nhật các phương pháp dạy học mới.

Hàng năm, việc triển khai sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào đã tạo được tinh thần thi đua sôi nổi giữa giáo viên với giáo viên, giữa các nhà trường với nhau. Điển hình như các cuộc vận động, các phong trào như “Dạy tốt, học tốt”, “Hai không”, “Mỗi giáo viên là một tấm gương tự học và sáng tạo”.... đã đưa lại nhiều kết quả tích cực.

Việc thường xuyên tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi cũng giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng qua từng năm.

Từ chỗ chỉ có 405 giáo viên, đến nay, toàn thị xã đã tăng lên 718 giáo viên. Trong đó, 100% giáo viên đã đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý với tổng số 76 người thì 100% đều đạt trình độ chuẩn, trong đó có 88% người đạt trình độ trên chuẩn.

Chất lượng giáo dục được nâng cao

Với sự chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã tạo “đòn bẩy” cho thị xã trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.

Theo đó, các trường học đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học mới, chú trọng việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi đã tạo nên những giờ học sinh động, thu hút học sinh. Để nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số, các trường tổ chức tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu, kém.

Mỗi đơn vị trường học đều có những lớp, những đội tuyển học sinh giỏi được bồi dưỡng đúng phương pháp để tham gia thi học sinh giỏi các cấp. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên chất lượng giáo dục của địa phương đã được nâng lên rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 100%. Số xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I và phổ cập giáo dục THCS đạt 100%. Hàng năm, thị xã có hàng trăm lượt học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp.

Theo ông Lê Quang Dẫn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Gia Nghĩa thì trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gan tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Trong đó, địa phương sẽ chú trọng hoàn thiện hơn mạng lưới cơ sở vật chất, tăng số trường đạt chuẩn quốc gia và trường trọng điểm ở các bậc học. Đối với bậc mầm non, ngành sẽ khuyến khích việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các trường tư thục. Đối với bậc tiểu học và THCS thì ngành chú trọng tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày từ 80% như hiện nay lên 100%. Đối với những trường đủ điều kiện, ngành sẽ hỗ trợ để tổ chức học bán trú nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa, giáo dục phát triển toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO