Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm

Hoàng Bảo| 06/06/2018 09:28

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động để nghe những chia sẻ, kinh nghiệm thực tế, tìm ra các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo. (Ảnh: Nông dân xã Nam Bình (Đắk Song) phát triển kinh tế từ trồng rau)

Theo thống kê, dân số Đắk Nông hiện có 609.595 người; trong đó, độ tuổi lao động 381.273 người, lao động tham gia hoạt động kinh 379.948 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tham gia hoạt động kinh tế tăng đều qua các năm. Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 35%, qua đào tạo nghề 27,75% thì đến năm 2017, tỷ lệ qua đào tạo 39% và qua đào tạo nghề 30,5%.

Giai đoạn 2015-2017, lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm 55.429 lượt người; trong đó, làm việc trong nước chiếm 99,15%, đi làm việc ở nước ngoài 467 lao động (chiếm 0,85%). Lao động đã qua đào tạo được tạo việc làm khoảng 16.488 lượt người (chiếm 29,74% tổng số lao động được tạo việc làm).

Tuy nhiên, trên thực tế, lao động tham gia hoạt động kinh tế chưa qua đào tạo trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao (61%). Chất lượng lao động còn nhiều hạn chế như phân bổ nguồn lực lao động giữa thành thị và nông thôn chưa đồng đều, thiếu tính ổn định, năng suất lao động thấp… Công tác giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, lao động tập trung nhiều ở lĩnh vực nông nghiệp…

Trước thực tế trên, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà doanh nghiệp, các trường nghề đã chia sẻ nhiều giải pháp, kinh nghiệm hay trong giáo dục đào tạo dạy nghề, việc làm. Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy-Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH), để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo, Đắk Nông nói riêng, cả nước nói chung cần phải nắm được thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Các địa phương cần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục dạy nghề, gắn kết giáo dục dạy nghề với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Cùng với việc đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thì việc hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần được chú trọng.

ADQuảng cáo

Tại tỉnh Đắk Nông, lao động ở lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao. (Ảnh: Nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Thuận Hà (Đắk Song) tạo việc làm cho lao động địa phương từ thu hoạch rau)

Theo chuyên gia đến từ Cục Việc làm - thị trường lao động (Bộ LĐTB-XH), các hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động rất cần thiết.

Đại diện Công ty TNHH RK Resources (Bình Dương) chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp đã ưu tiên tuyển dụng và sử dụng hàng ngàn lao động làm việc tại các văn phòng, các tổ, đội sản xuất. Trong đó, lao động đã qua đào tạo, có những kỹ năng cần thiết và lao động chưa qua đào tạo, hoặc đã đào tạo nhưng chưa đáp ứng kỹ năng nghề cần thiết, công ty đã tổ chức đào tạo lại, tập huấn định kỳ để nâng cao tay nghề cho người lao động trong quá trình sử dụng. Qua thực tế tuyển dụng nhiều năm, công ty nhận thấy, tình trạng bạn trẻ thất nghiệp là do thiếu nhiều kỹ năng cần thiết, thiếu định hướng nghề nghiệp, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả, giữa quan hệ cung-cầu nhân lực, giữa thông tin thị trường lao động với doanh nghiệp và người lao động… Do đó, giải quyết được những hạn chế này thì bài toán giải quyết việc làm sẽ ổn thỏa hơn.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh phấn đấu tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho khoảng 54.000 người; trong đó việc làm trong nước là 53.460 người và ngoài nước là 540 người. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh sẽ có 3.800 người được đào tạo nghề.

Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành trong nghiên cứu, đề ra các giải pháp sát thực thì sự tự nỗ lực, ý thức tự giác, chủ động tạo ra việc làm cho bản thân của mỗi người lao động đóng vai trò rất quan trọng.

Đại diện Trường Trung cấp nghề Đắk Nông cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tăng cường mở rộng mối quan hệ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo sự ăn khớp, phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm; giới thiệu việc làm cho học sinh; thay đổi quan niệm của người lao động không muốn đi làm xa nhà. Ngoài ra, việc phối hợp để người lao động có điều kiện tự tạo việc làm cho bản thân, đối tượng khó khăn huy động thêm thành viên trong các tổ chức của mình lập những dự án để tạo việc làm tại địa phương, khởi nghiệp phù hợp cũng cần được quan tâm, thực hiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO