Đắk Glong, động viên đội ngũ giáo viên khắc phục khó khăn, bảo đảm kiến thức cho học sinh

Hoàng Bảo| 07/05/2020 13:56

Những ngày này, hầu hết học sinh các bậc học trong toàn tỉnh đều đã quay lại trường sau thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh bảo đảm an toàn cho học sinh khi quay lại trường, đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện Đắk Glong cũng đang có nhiều cố gắng trong giảng dạy, giúp các em tiếp cận kiến thức.

ADQuảng cáo

Nhỏ nhẹ nhắc nhở, khuyên nhủ

Năm học 2019-2020, Trường mầm non Hoa Hồng, xã Quảng Khê có khoảng 300 trẻ em nhưng từ khi có quyết định đi học trở lại từ ngày 4/5 đến nay, số lượng trẻ vắng nhiều. Nguyên nhân là do trường chưa thực hiện bán trú, nhiều phụ huynh không thể đưa đón con em theo khung giờ quy định, nên đã xin cho con tiếp tục nghỉ. Hơn nữa, đối với trẻ mầm non, các em chưa ý thức rõ về dịch bệnh và các biện pháp bảo đảm an toàn, nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy.

Các em mầm non tuổi còn nhỏ, nên giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng phải nỗ lực rất nhiều

Theo cô giáo Trần Thị Toàn, chủ nhiệm lớp Mầm 2, lớp hiện có 24 em và hiện chia đôi thành 2 ca để bảo đảm khoảng cách an toàn trong vui chơi, học tập. Do các em đang còn nhỏ, nên công việc của các cô giáo khi tập cho trẻ làm quen với các biện pháp phòng bệnh an toàn cũng vất vả hơn. Như việc đeo khẩu trang, cô giáo phải thường xuyên nhắc nhở, các em mới phối hợp, song cũng có những em, cô nhắc thì đeo, cô quay đi hướng khác là tháo ra ngay.

Cô Toàn cho biết: “Độ tuổi các em còn nhỏ, nên để đeo khẩu trang xuyên suốt cả buổi học là việc rất khó. Có em chỉ đeo được 2 phút thì lại nói, cô ơi em không thở được. Những lúc như vậy, mình phải dừng việc dạy lại, nhỏ nhẹ nhắc nhở, khuyên nhủ chứ không thể dùng các biện pháp nghiêm khắc như những độ tuổi khác”.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em cũng có cái khó riêng. Bình thường chưa có dịch, cả lớp chơi chung một trò vận động, các em có thể chạy lại bạn này bạn kia để trao đổi, tương tác, còn cô giáo quản lý chung. Nhưng nay, các em phải chia ra theo nhóm nhỏ từ 3 đến 5 bạn, nên công tác quản lý các nhóm khó khăn hơn.

Học trái buổi nhau để bảo đảm khoảng cách

Tương tự, Trường tiểu học Kim Đồng, xã Quảng Khê hiện có 1265 học sinh với 37 lớp học. Hiện nay, do cơ sở vật chất như bàn ghế, phòng học của trường không đủ, nên việc sắp xếp chỗ ngồi cho các em theo khoảng cách từ 1-1,5m khó bảo đảm được. Do đó, trong một lớp học như hiện nay, ngoài giãn 1 em ngồi 1 bàn thì có chỗ phải ghép 2 bàn lại với nhau để 3 em cùng ngồi.

ADQuảng cáo

Hơn nữa, trước đây, các em lớp 1 học ngày 2 buổi, nên giáo viên trao đổi, kiểm tra bài vở, theo dõi việc học ở lớp, ở nhà  được sâu sát hơn. Bây giờ, giáo viên dạy nhiều hơn vì chia đôi học sinh để dạy 2 buổi, nên không thể sâu sát, cụ thể từng em như trước, nhất là những em học yếu hơn thì không kèm cặp thêm được mà chỉ nhờ phụ huynh nhắc nhở, đôn đốc

Do thiếu cơ sở vật chất, Trường tiểu học Kim Đồng phải ghép bàn để bảo đảm khoảng cách cho học sinh

Còn Trường THCS Nguyễn Du, xã Quảng Khê hiện có 734 học sinh, chia làm 18 lớp, trong đó có 9 ca học sáng, 9 ca học chiều. Mỗi lớp khoảng 20-22 học sinh, học trái buổi nhau để bảo đảm khoảng cách an toàn. Hiện nay, cơ sở vật chất không bảo đảm nên  trường khó có thể bảo đảm việc học đầy đủ kiến thức theo yêu cầu của ngành. Do đó, trường phải mượn 4 hoặc 5 phòng học tại địa điểm mới đang xây để chia nhỏ số học sinh các lớp học ra đồng đều từ thứ 2 đến thứ 7. Hoặc đối với những em học khá, giỏi thì sẽ tham gia học trực tuyến tại nhà, còn học sinh trung bình, yếu chia nhỏ lớp để dạy học tại trường.

Em Trần Ngọc Điểm, lớp 9A1 cho biết: “Năm nay là năm học cuối cấp, chuẩn bị lên lớp 10 nên em khá lo lắng. Vì em được biết thời gian học rút ngắn lại và kiến thức cũng giảm tải theo. Vì vậy, bây giờ, ngoài học trên trường, em còn tập trung ôn luyện tại nhà, học trên mạng để  nắm bắt thêm kiến thức”.

Giáo viên dạy nhiều hơn

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, không chỉ các trường ở xã Quảng Khê mà đây cũng là khó khăn chung của các trường trên địa bàn huyện. Thực tế, sau một thời gian nghỉ học phòng, chống dịch kéo dài, hiện nay, sĩ số học sinh tại các trường học của huyện đều giảm, nhất là bậc mầm non và THCS. Bậc mầm non thì phụ huynh chờ học bán trú, cả ngày mới tiếp tục cho con em đến trường. Còn một số vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, nhiều em nghỉ học để làm rẫy hoặc lấy vợ, lấy chồng.

Chưa kể, Đắk Glong là huyện thiếu giáo viên nhiều, nên việc bố trí giáo viên đứng lớp cũng khó khăn hơn. Hiện nay, bậc mầm non thiếu 90 giáo viên, tiểu học thiếu 88 giáo viên, THCS thiếu 46 giáo viên. Thời gian này, quá trình giảng dạy phải giãn cách ra, đồng nghĩa giáo viên dạy nhiều hơn. Do đó, trước mắt, phòng cũng như các nhà trường chủ yếu động viên đội ngũ giáo viên cố gắng khắc phục khó khăn trước mắt, thực hiện đúng theo yêu cầu của ngành, bảo đảm kiến thức cho học sinh.

Ngành cũng tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên soạn giảng theo chương trình rút gọn để có giải pháp truyền đạt kiến thức tốt nhất, đặc biệt ưu tiên lớp 1, lớp 5 và lớp 9 để các em có nền tảng vững chắc bước vào bậc học mới. Đối với các lớp còn lại, khi bước vào năm học mới 2020-2021, các em thiếu kiến thức phần nào, môn nào thì các giáo viên sẽ củng cố, bổ sung thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong, động viên đội ngũ giáo viên khắc phục khó khăn, bảo đảm kiến thức cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO