Cơ sở giáo dục tư thục "gồng mình" vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Nguyễn Hiền| 12/03/2020 10:00

Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng khá lớn đến các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh khi học sinh nghỉ học. Phần lớn các khoản chi đều dựa nào nguồn học phí do phụ huynh đóng, nên học sinh nghỉ học dài ngày, khiến các cơ sở giáo dục tư thục gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Không có nguồn thu

Nhóm trẻ mẫu giáo Ngôi Sao Nhỏ ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) có gần 70 trẻ em theo học. Theo cô Lê Thị Dương, khi trẻ còn đi học bình thường, mỗi tháng trừ các chi phí, cơ sở còn dư khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều tháng nay khi trẻ nghỉ học để phòng, chống dịch theo quy định thì cơ sở cũng tạm dừng hoạt động. Trẻ không đến lớp đồng nghĩa với không có nguồn thu. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu dạy học, cơ sở phải thuê 8 giáo viên và nhân viên. Dù nghỉ dạy nhưng cơ sở vẫn phải chi trả các chế độ cho giáo viên, nhân viên như tiền lương, bảo hiểm hàng tháng khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở cũng phải chi trả thêm khoảng 10 triệu đồng cho các khoản khác như tiền điện, nước....

Trường mầm non Mi Sa phải chi trả khoảng 40 triệu đồng/tháng khi trẻ nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19

Nhóm trẻ mầm non tư thục Phương Nghi ở thị trấn Kiến Đức, (Đắk R’lấp) có 80 trẻ em theo học. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ, cơ sở đã thuê 10 giáo viên, nhân viên. Trung bình mỗi tháng cơ sở chi trả hơn 20 triệu đồng tiền lương và các chế độ khác cho giáo viên, nhân viên. Từ khi cho trẻ nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cơ sở không thu được học phí.

Chị Trương Thuận An, chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Phương Nghi cho biết: “Gánh nặng lớn nhất là chi phí thuê mặt bằng hàng tháng cơ sở phải trả hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, vì trách nhiệm công dân, chấp hành quy định chung, cơ sở phải thực hiện đóng cửa, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo. Chúng tôi chỉ mong nhanh hết dịch để cơ sở hoạt động lại, bù đắp phần nào thiệt hại và khó khăn”.

Trường mầm non Mi Sa ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng đang đứng trước khó khăn vì có số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiều nên các khoản chi trẻ cũng nhiều hơn.

ADQuảng cáo

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hoài, trường có 230 trẻ em theo học ở 8 lớp. Tổng  số cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện có là 22 người, trong đó giáo viên 16 người. Nếu hoạt động bình thường, trường chi trả trên 100 triệu đồng tiền lương và bảo hiểm. Những thời điểm trẻ nghỉ học, trường cũng phải gánh thêm các khoản chi thường xuyên khác để duy trì cơ sở như điện, nước, nhân viên vệ sinh, lương kế toán... Hiện tại, trường chỉ có thể chi trả công cho những người đến trường để dọn vệ sinh và bảo đảm chi trả đủ bảo hiểm. Trường cũng đã động viên, kêu gọi giáo viên, nhân viên cùng chia sẻ khó khăn chung trong thời điểm hiện nay.

Lo ngại mất học viên

Việc tạm dừng hoạt động không chỉ làm các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn về nguồn kinh phí phải chi trả mà còn nhiều mối lo lắng khác. Điển hình như các trung tâm anh ngữ trên địa bàn huyện Đắk R’lấp.

Theo anh Nguyễn Anh Dũng, phụ trách Trung tâm Anh ngữ Be Happy ở xã Nhân Cơ và một trung tâm khác ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) thì trung tâm có 8 giáo viên hợp đồng theo tiết dạy, riêng khoản chi thuê giáo viên và mặt bằng mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Dù không hoạt động nhưng đây là chi phí bắt buộc mà cơ sở phải "gồng mình" chi trả, vì nếu không hỗ trợ lương cho giáo viên để giữ chân họ, khi hoạt động trở sẽ khó đảm bảo cho việc dạy và học. Việc bị đứt nguồn thu thời gian dài khiến cho trung tâm phải xoay sở rất vất vả.  Ngoài khó khăn trước mắt về  kinh phí thì điều anh Dũng lo ngại nhất là công tác tuyển sinh và duy trì số lượng học sinh hiện có.

Theo dự tính, khi trung tâm được phép hoạt động trở lại, số lượng học viên theo học sẽ giảm hơn do phụ huynh vẫn còn tâm lý lo ngại,trong khi đó  học sinh cũng phải tập trung học chính khóa ở trường...

Anh Dũng cũng chia sẻ: “Nếu như ở những năm trước, thời điểm mùa hè là cơ hội vàng để trung tâm thu hút học sinh, tăng thu nhập. Thế nhưng, năm nay học sinh nghỉ nhiều, thời gian năm học sẽ kéo dài hơn nên việc tuyển học viên hè cũng sẽ khó khăn. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ mau chóng qua để giảm bớt được phần nào khó khăn, thiệt hại như hiện nay”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở giáo dục tư thục "gồng mình" vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO