Chư Jút đưa bộ sách giáo khoa dạy tiếng Ê đê mới vào trường học

Nguyễn Hiền| 13/11/2014 10:12

Với đặc điểm có phần lớn học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ là người Ê đê, nên thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Chư Jút đã thực hiện việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc trong các trường học.

ADQuảng cáo

Từ đầu năm học 2014-2015, với việc được cấp bộ sách dạy tiếng Ê đê mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo đã giúp các nhà trường thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy tiếng Ê đê cho học sinh.

Với bộ sách dạy tiếng Ê đê mới đã tạo thuận lợi, hứng thú cho cả giáo viên, học sinh trong quá trình học

Tại Trường tiểu học Y Jút ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) có 220 học sinh ở các khối lớp và đều là dân tộc Ê đê. Vì vậy, ngoài các môn học chính khóa, nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Ê đê cho học sinh khối lớp 3, 4 và 5.

ADQuảng cáo

Cô giáo H’Lúp, dạy tiếng Ê đê cho biết: “Bộ sách dạy tiếng Ê đê mới có đến hai cuốn giáo khoa và bài tập riêng biệt nên giáo viên có thời gian nhiều hơn cho việc hướng dẫn từng em học thay vì ghi bảng nhiều như trước đây. Sách giáo khoa có nội dung phong phú, hình ảnh minh họa đẹp và sát với thực tế đã giúp các em dễ hiểu và ghi nhớ bài lâu hơn. Nếu trước đây, sách giáo khoa chủ yếu nghiêng về cung cấp từ vựng, cách viết chính tả thì hiện nay, bộ sách mới còn giúp các em hiểu hơn về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, các em nắm được sâu hơn về nội dung bài học cũng như việc ghi nhớ từ vựng. Điển hình như các bài học Buôn Chư Lênh đón cô giáo, Hội đua voi ở Tây Nguyên....”.

Còn theo thầy Nguyễn Văn Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập, xã Tâm Thắng thì cũng nhờ có bộ sách giáo khoa dạy tiếng Ê đê mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Hiện tại, nhà trường đang triển khai dạy tiếng Ê đê 4 buổi/tuần cho 6 lớp từ lớp 3 đến lớp 5, với khoảng gần 100 học sinh.

Hình thức học tiếng Ê đê cũng giống như học tiếng Việt, bao gồm có cả các phần tập đọc, chính tả, ngữ pháp và tập làm văn. Với hình thức biên soạn mới nên giáo viên cũng thay đổi cách dạy cho phù hợp theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nên các tiết học trở nên sôi động hơn. Việc giao lưu bằng tiếng mẹ đẻ giữa học sinh và giáo viên được tăng cường, từ đó đã dần hình thành cho các em tính tích cực, chủ động, mạnh dạn hơn trong việc tham gia xây dựng bài.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Jút thì việc dạy tiếng Ê đê trong các trường học trên địa bàn đã được duy trì từ nhiều năm nay. Từ năm học này, việc áp dụng bộ sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo về dạy tiếng Ê đê trong trường học với nhiều đổi mới phù hợp sẽ là điều kiện và là cơ hội để các nhà trường nâng cao hơn nữa tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bộ môn nói chung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chư Jút đưa bộ sách giáo khoa dạy tiếng Ê đê mới vào trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO