Chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Không cần nhiều nhưng phải thiết thực và hiệu quả

Nguyễn Hiền| 14/05/2019 09:46

Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập.

ADQuảng cáo

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi một số chính sách đối với giáo viên ở vùng DTTS, MN

Nhiều kết quả ghi nhận

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), nhờ thực hiện các chính sách, sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng DTTS, MN đã có những chuyển biến đáng kể. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm điều kiện từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Hệ thống giáo dục chuyên biệt ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Phát biểu tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào DTTS, MN tại Đắk Nông mới đây, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Kết quả nổi bật nhất sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW là chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện. Hệ thống trường dân tộc nội trú đã khẳng định được vị thế, hiệu quả".

Chính sách còn nhỏ lẻ

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, MN vẫn còn nhiều khó khăn. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục nhìn chung còn thấp so với yêu cầu. Việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng DTTS, MN vẫn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai thực hiện các chính sách hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả. Qua ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành trong cả nước đã cho thấy rõ những hạn chế cần sửa đổi, bổ sung.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, hiện nay các chính sách dành cho giáo dục đào tạo vùng DTTS, MN rất nhiều nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ, tản mạn, quá trình thực hiện ở cơ sở còn nhiều bất cập. Điển hình như chính sách đối với nhà giáo và học sinh gần như tỉnh nào cũng vướng mắc.

ADQuảng cáo

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải đổi mới phương thức thực hiện chế độ cử tuyển vì trong thực tế còn nhiều bất cập, nhất là việc tuyển đầu vào chưa chặt chẽ. Để bảo đảm chất lượng cần ưu tiên tuyển chọn học sinh giỏi hoặc bồi dưỡng dự bị trước khi vào đại học. Quá trình đào tạo và cấp văn bằng còn mang tính du di, nên một số sinh viên tốt nghiệp chưa bảo đảm được yêu cầu về năng lực trình độ.

Cùng với đó, để khuyến khích và gắn trách nhiệm của sinh viên cử tuyển, việc hỗ trợ vay vốn cũng cần có cơ chế rõ ràng. Tỷ lệ kinh phí hỗ trợ không nên cào bằng mà dựa vào kết quả học tập. Sau khi tốt nghiệp, không nhất thiết bắt buộc các địa phương phải bố trí việc làm nhằm tạo tính cạnh tranh, công bằng với những sinh viên khác. Chính sách đối với học sinh và nhà giáo cần điều chỉnh như chế độ lương giữa các vùng còn có sự chênh lệch lớn. Việc hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh còn chậm trễ. Chế độ cấp phát gạo chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng.

Nhiều đại biểu đã kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung một số chính sách. Điển hình như ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh tiểu học và trẻ từ 0-2 tuổi ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người phục vụ bữa ăn trưa cũng cần có chính sách cụ thể, giảm bớt khó khăn cho các nhà trường khi phải huy động xã hội hóa. Đối với các trường chuyên biệt, cán bộ quản lý và giáo viên không đơn thuần chỉ dạy mà hiểu đúng nghĩa là dạy, dỗ và nuôi. Vì vậy, các trường chuyên biệt cần có chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ quản lý và giáo viên. Với các xã sau khi ra khỏi diện đặc biệt khó khăn cần kéo dài thêm thời gian hưởng chế độ, chính sách thêm khoảng 2-3 năm để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên và học sinh. 

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ ăn trưa, cấp phát gạo nhưng học sinh vùng sâu ở tỉnh Đắk Nông vẫn chưa được thụ hưởng chế độ ăn bán trú

Sẽ tham mưu thực hiện 11 chính sách

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Chính sách không cần nhiều nhưng phải thiết thực và hiệu quả. Việc điều chỉnh, bổ sung sẽ tạo một hệ thống chính sách căn cơ, đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục mới và đưa giáo dục đào tạo khu vực DTTS, MN vượt “trũng” so với thực tế hiện nay”.

Theo đó, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách liên quan để thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, MN. Điển hình như ban hành chính sách hỗ trợ học sinh học tại trung tâm giáo dục thường xuyên; chính sách dạy nghề theo các chương trình, dự án của địa phương cho những người mới hoàn thành xóa mù chữ...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Việc triển khai các chính sách cần đi vào cuộc sống. Việc phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS, MN sẽ giúp học sinh có cơ hội học tập, hòa nhập với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Chúng tôi coi đây là nền tảng, cơ sở để giải quyết các vấn đề khác của khu vực này, từ phát triển kinh tế-xã hội đến củng cố an ninh, quốc phòng. Phát triển giáo dục được coi là gốc rễ của vấn đề”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Không cần nhiều nhưng phải thiết thực và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO