Chất lượng giáo dục có những bước chuyển tích cực

Ngọc Dũng| 07/02/2018 09:21

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong học kỳ I, năm học 2017-2018, chất lượng giáo dục toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực ở các bậc học.

ADQuảng cáo

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) tăng cường xã hội hóa giúp trẻ có sân chơi

Tăng cường công tác chỉ đạo, tham mưu

Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, ngành Giáo dục đã tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Với sự tham mưu của ngành, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị kịp thời, đáp ứng thực tế về tăng cường công tác huy động trẻ đến trường và hạn chế học sinh bỏ học; chấn chỉnh công tác thu và quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tại các cơ sở giáo dục công lập... Các nghị quyết, chỉ thị được ban hành đã góp phần cải thiện đáng kể điều kiện và môi trường để các nhà trường nâng cao chất lượng, tạo uy tín trong phụ huynh học sinh.

Trong công tác chuyên môn, ngành tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp trong và ngoài nhà trường, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực. Các cơ sở giáo dục tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học. Hầu hết các nhà trường kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, sử dụng hiệu quả các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ thí nghiệm thực hành, liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với từng bài học.

Công tác thi đua khen thưởng tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Qua các phong trào thi đua, ngành Giáo dục các cấp tích cực phát hiện những nhân tố mới, điển hình để khen thưởng kịp thời, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến kinh nghiệm được đẩy mạnh, khơi dậy tinh thần tự học và sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Giáo dục các bậc học được nâng cao

Cùng với công tác chỉ đạo chung, ngành Giáo dục đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng ở từng bậc học. Đối với bậc mầm non, toàn ngành tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới ở các vùng khó khăn. Đội ngũ giáo viên tăng cường làm đồ dùng dạy học nhằm tạo hứng thú cho trẻ đến trường.

ADQuảng cáo

Công tác bán trú được chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn bậc mầm non đã có 1.076 nhóm, lớp với trên 33.400 trẻ được tổ chức bán trú, chiếm 88% tổng số trẻ. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường đạt trên 84%; trong đó trẻ mầm non 5 tuổi đạt 100%. Công tác phổ cập giáo dục mầm non được các địa phương duy trì theo hướng nâng cao chất lượng một cách toàn diện.

Ở bậc tiểu học, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên môn lấy học sinh làm trung tâm. Toàn ngành tích cực huy động các nguồn lực để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, kết hợp cho học sinh ăn, nghỉ tại trường để tạo điều kiện học tập tốt hơn. Đối với các khối, lớp thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn đã áp dụng thực hiện chương trình về giúp học sinh tiếp thu tốt những kiến thức cơ bản nhất của các môn học, thu hẹp khoảng cách về trình độ của học sinh giữa các vùng miền. Nhờ thực hiện các giải pháp nên chất lượng bậc học có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 93%.

Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) tăng cường các tiết thực hành, thí nghiệm cho học sinh

Bậc trung học phổ thông triển khai đồng bộ và hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Trong đó, phong trào thi đua “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã từng bước đi vào chiều sâu và lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều giáo viên, với sự tâm huyết đã có những sáng tạo mới, phù hợp để áp dụng dạy học đạt hiệu quả. Các trường tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Các hình thức nâng cao nghiệp vụ dạy học cho giáo viên cũng được đa dạng hóa.

Vì vậy, chất lượng giáo dục bậc phổ thông có những thay đổi tích cực. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm khá, giỏi của bậc THPT đạt trên 97%, không có học sinh hạnh kiểm yếu. Về học lực có trên 97% đạt học lực từ khá trở lên, không có học sinh học lực loại kém. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 12 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia; trong đó có 1 giải nhì, 7 giải ba và 4 giải khuyến khích ở các môn học.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng giáo dục được nâng lên thể hiện rõ nét qua tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 108 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, bậc mầm non có 21 trường, bậc tiểu học có 47 trường, bậc THCS có 30 trường và bậc THPT có 10 trường.

Phát huy những kết quả đã đạt được,trong học kỳ II, toàn ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng nâng cao chất lượng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng giáo dục có những bước chuyển tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO